Chiều 14-5, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đã trình bày tờ trình của Chính phủ, đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng (gọi tắt là Nghị quyết 119).
Cụ thể, Chính phủ đề xuất trao cho TP Đà Nẵng 6 chính sách hoàn toàn tương tự các tỉnh, thành phố đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại các nghị quyết đặc thù; 10 chính sách có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn của thành phố từ kinh nghiệm triển khai ở TPHCM, Khánh Hòa và đặc biệt có 5 chính sách mới hoàn toàn; trong đó có 2 chính sách rất đáng quan tâm, có tính chất đột phá.
Một là, chính sách thí điểm thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với cảng Liên Chiểu. Hai là, cơ chế chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Báo cáo sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban nhất trí trình Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết về vấn đề này tại kỳ họp thứ 7.
Về thí điểm thành lập khu thương mại tự do, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy đây là chủ trương lớn, cần thiết. Đề xuất của TP Đà Nẵng thể hiện sự quyết tâm, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nếu thực hiện thành công sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và của vùng. Đây cũng là mô hình được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách lưu ý, pháp luật hiện hành chưa có quy định về khái niệm khu thương mại tự do, chưa có quy định hướng dẫn việc thành lập, hoạt động khu thương mại tự do mà chỉ quy định khu phi thuế quan được xác định trong quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế.
Để triển khai hiệu quả chủ trương của Bộ Chính trị, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát để quy định rõ trong dự thảo nghị quyết về khái niệm, mô hình tổ chức; chức năng, nhiệm vụ; chính sách phát triển và quản lý nhà nước… đối với khu kinh thương mại tự do; đồng thời bổ sung kinh nghiệm quốc tế trong hình thành và phát triển đô thị này để làm rõ căn cứ thuyết phục.
Về các cơ chế chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, dự thảo nghị quyết quy định các chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo theo hướng HĐND được quyết định đầu tư, nâng cấp, mở rộng, phát triển và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin từ nguồn ngân sách thành phố; chương trình dự án được ngân sách thành phố hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng; quyết định kinh phí hỗ trợ từ ngân sách thành phố; cho thuê trực tiếp tài sản kết cấu hạ tầng thông tin không thông qua đấu giá cho đối tác chiến lược.
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí chủ trương áp dụng chính sách này. Tuy nhiên, đối với quy định “hỗ trợ không quá 5% tổng chi phí mua thiết bị hỗ trợ cho doanh nghiệp đối với các dự án đầu tư mới…trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn trí tuệ nhân tạo”, đề nghị cân nhắc để quy định và làm rõ cơ sở, tiêu chí, điều kiện, kết quả của chính sách, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, tránh lợi dụng, tùy tiện gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tán thành về nguyên tắc việc dành nhiều cơ chế, chính sách thí điểm cho TP Đà Nẵng, nhưng cho rằng phạm vi chính sách là khá rộng, cần cân nhắc, lựa chọn những gì đã chín, đã rõ để đưa vào nghị quyết. Cơ bản đồng tình với 2 chính sách mang tính chất đột phá cho TP Đà Nẵng như đã nêu, song đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị thuyết minh thấu đáo hơn, đảm bảo phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước.