Phải nói các bài viết phân tích khá thấu đáo với các con số và luận chứng thuyết phục và ở đây tôi chỉ nhấn mạnh đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước như Cục Bản quyền tác giả, Cục Nghệ thuật biểu diễn trước những ồn ào không đáng có.
Vụ thu 2.000 đồng một bài hát karaoke của Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam cũng gây chú ý của dư luận. Ảnh minh họa
Trước tiên phải nhấn mạnh phản ứng của các cơ quan này giống như thời tiết thất thường lúc nhanh, lúc chậm một cách thiếu công bằng. Vụ của VCPMC chỉ mất 3 ngày để Cục Bản quyền tác giả lên tiếng và đưa ra chỉ đạo sát sao, trong khi vụ của RIAV (thu 2.000 đồng một bài hát karaoke) phải mãi 3 tháng sau mới thấy cục có ý kiến giải thích. Đáng lý ra các cơ quan có thẩm quyền nên chỉ đạo sát sao vụ RIAV hơn nữa, nhất là khi có những nghi ngờ về bản chất của việc thu phí có dính dáng đến quyền lợi của một doanh nghiệp chuyên doanh đầu máy karaoke. Điều này không chỉ tăng uy tín của cơ quan mà còn làm trong sạch thị trường, hạn chế những dấu hiệu mang tính cạnh tranh không lành mạnh để bảo vệ người tiêu dùng.
Nếu những vấn đề trong vụ việc của VCPMC chỉ là những hiểu lầm trong quy định của pháp luật cùng với việc áp dụng nóng vội của tổ chức này, thì trong vụ việc của RIAV, nghiêm trọng hơn khi tổ chức này đã cấp phép sai thẩm quyền và có dấu hiệu phục vụ lợi ích nhóm. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có bất cứ chỉ đạo nào của các cơ quan quản lý nhà nước về việc thu hay không thu tiền của hiệp hội này. Điều này làm dấy lên lo ngại về sự tự tung tự tác của các tổ chức khai thác bản quyền ở Việt Nam khi không có một cơ chế kiểm soát thích hợp.
Thứ hai, các cơ quan chức năng nên thắt chặt quản lý không để xảy ra tình trạng lạm dụng quyền để tận thu. Đặc biệt là không đẩy sự việc cho xã hội phán xét và tranh cãi cực điểm rồi mới lên tiếng nêu quan điểm của mình. Chúng tôi nhận thấy trong nhiều vụ việc có tranh cãi về bản quyền, các cơ quan chức năng thường chốt vấn đề bằng việc “nếu các bên không thể thỏa thuận được thì ra tòa án hoặc trọng tài…”. Biện pháp “đáo tụng đình” này nên là biện pháp xử lý cuối cùng đối với những tranh chấp có thể ngăn ngừa được từ những bước đầu tiên nếu các cơ quan chức năng để ý và rà soát kỹ hơn, đồng thời có những chỉ đạo sát sao hơn về mặt chuyên môn, chuẩn bị sẵn các tình huống pháp lý cơ bản cho các đơn vị trong ngành trước đó.
Tóm lại, những câu chuyện về bản quyền sẽ còn tiếp tục gây tranh cãi khi sự hiểu biết và nhận thức chung về bản quyền của phần đông người dân còn mơ hồ và nhập nhằng. Vấn đề là sự thể hiện trách nhiệm của các cơ quan chức năng, quản lý đến đâu trong các sự việc này, nhiệm vụ của họ còn phải làm sao cho người dân không cảm thấy các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan “tự tung tự tác” khi động tới vấn đề thu phí bản quyền, làm sao cho người tiêu dùng cảm thấy rằng việc đóng phí bản quyền là điều hợp lý và nên làm.