Tiếp tục chương trình làm việc của phiên họp thứ 14, sáng 18-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe và cho ý kiến về dự án Luật Quy hoạch.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tính riêng các vấn đề liên quan đến quy hoạch, nếu Luật Quy hoạch được thông qua, sẽ có 32 luật được sửa đổi, bổ sung.
Theo đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội chấp thuận cho phép sửa đổi, bổ sung các luật liên quan để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật khi Luật Quy hoạch được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-1-2019.
Việc sửa đổi các luật liên quan này được thực hiện theo trình tự rút gọn quy định tại Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về thi hành Luật Quy hoạch (dự thảo Nghị quyết gửi kèm theo); xem xét, thông qua dự thảo Luật Quy hoạch tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Cho ý kiến tại phiên họp, đa số ý kiến trong UBTVQH thống nhất với quyết tâm hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua dự án Luật tại kỳ họp thứ 4 tới đây với hiệu lực thực hiện từ ngày 1-1-2019 để có cơ sở lập quy hoạch, kế hoạch trong 5 năm tới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: “Đây là luật được kỳ vọng tạo đột phá trong quản lý nhà nước. Nếu không thông qua được tại kỳ họp thứ 4 thì chúng ta sẽ lỡ mất kỳ quy hoạch tiếp theo, chúng ta mất cơ hội cho đất nước, mất nhiều chi phí cho xã hội”.
Đây cũng là quan điểm của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng. Về giải pháp thực hiện, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng đề nghị áp dụng giải pháp “dùng một luật sửa nhiều luật” vì nếu sửa từng luật một thì sẽ rất chậm, kéo dài nhiều năm cũng chưa xong. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng, cơ quan soạn thảo, thẩm tra cần rà soát lại rất kỹ các nội dung cần sửa đổi, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Trong số các nội dung cụ thể, nhiều ý kiến thành viên UBTVQH lưu ý đến mô hình cơ quan chịu trách nhiệm lập quy hoạch quốc gia. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo đã bổ sung nội dung thành lập cơ quan lập quy hoạch tại Điều 16 để làm rõ hơn quy trình lập quy hoạch.
Việc thành lập cơ quan lập quy hoạch được thực hiện theo quy định tại khoản 10 Điều 28 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ được giao trách nhiệm và thẩm quyền “Quyết định các tiêu chí, điều kiện thành lập hoặc giải thể các cơ quan chuyên môn đặc thù, chuyên ngành thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Quyết định thành lập các cơ quan, tổ chức khác thuộc UBND cấp tỉnh; quyết định thành lập hội đồng, Ủy ban hoặc Ban khi cần thiết để giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng liên ngành”.
“Việc thành lập cơ quan lập quy hoạch theo quy định nói trên không phải là thành lập mới hay làm phát sinh thêm tổ chức, bộ máy, nhân sự vì cơ quan này hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm và giải thể sau khi quy hoạch được phê duyệt”, ông Nguyễn Chí Dũng giải trình.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình tỏ ra rất băn khoăn: “Nếu cơ quan này được hình thành theo kiểu một Hội đồng làm việc theo “thời vụ” thì không ổn. Không chỉ lập ra quy hoạch, cơ quan này còn phải nắm bắt thông tin phản hồi thường xuyên xem quy hoạch “chạy” thế nào. Tôi đồng ý không thêm biên chế mới, nhưng phải đảm bảo tính chuyên nghiệp, ổn định và liên tục của cơ quan này”.
Phát biểu sau đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chia sẻ quan điểm của Chủ nhiệm Phan Thanh Bình. Ông nói: “Cơ quan lập quy hoạch không nên chỉ là một cơ quan lâm thời, vì còn nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch, quản lý quy hoạch và chịu trách nhiệm pháp lý về quy hoạch nữa”.
Tán thành giải pháp “dùng một luật sửa nhiều luật”, nhưng Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cho rằng với những luật cần sửa nhiều nội dung thì vẫn có thể lập dự án trình sửa riêng theo đúng quy trình xây dựng pháp luật.