Thâu tóm cổ phần tại SCB
Bà Trương Mỹ Lan là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), bao gồm tập hợp các công ty con, công ty liên kết. Để có nguồn vốn phục vụ cho hoạt động của tập hợp các công ty trên và để liên tục đầu tư, mua các dự án bất động sản, bà Lan đã tìm cách thâu tóm, chi phối, điều hành toàn bộ hoạt động của SCB, trong đó có cả hoạt động cho vay.
Do đó, từ trước thời điểm hợp nhất, bà Lan đã sở hữu phần lớn cổ phần của 3 ngân hàng (Ngân hàng TMCP Sài Gòn cũ, Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa, Ngân hàng TMCP Đệ Nhất). Sau khi hợp nhất, bà Lan tiếp tục nhờ 73 cổ đông đứng tên sở hữu hơn 85% cổ phần của SCB, đồng thời người này tiếp tục mua và sử dụng cá nhân đứng tên cổ phần SCB để tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng này lên hơn 91% (vào thời điểm tháng 1-2018).
Cơ quan công tố cho hay, tính đến tháng 10-2022, bà Lan đã sở hữu, chi phối hơn 1,3 tỷ cổ phần SCB (tương đương hơn 91% vốn điều lệ, do 27 pháp nhân trong và ngoài nước, cá nhân đứng tên giúp). Trong đó, bà Lan trực tiếp đứng tên sở hữu hơn 75 triệu cổ phần (chiếm gần 5% vốn điều lệ).
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao còn cáo buộc bà Lan có hành vi tuyển chọn, bố trí nhân sự để nắm quyền chi phối, chỉ đạo, điều hành toàn bộ hoạt động SCB. Theo đó, bà Lan thường tuyển chọn, đưa các cá nhân thân tín, có trình độ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại SCB và trả lương cao ngút từ 200 đến 500 triệu đồng/tháng. Đồng thời, còn tặng, thưởng tiền, cổ phần SCB để thông qua các cá nhân này điều hành toàn bộ hoạt động của SCB, trong đó có hoạt động cho vay.
Bằng cách thâu tóm, nắm giữ cổ phần, chi phối, điều hành hoạt động ngân hàng thông qua các đối tượng chủ chốt, bà Lan đã sử dụng SCB như một công cụ tài chính để huy động tiền gửi và vốn từ các nguồn khác, sau đó chỉ đạo rút tiền bằng cách tạo lập các khoản vay khống, phục vụ cho mục đích cá nhân.
Cơ quan công tố cho rằng, để rút được tiền của SCB, bà Lan đã điều hành, chỉ đạo các cá nhân thân tín, giữ vai trò chủ chốt tại SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Võ Tấn Hoàng Văn, Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung, Hồ Bửu Phương, Nguyễn Phương Anh…) để chỉ đạo các đối tượng tại SCB. Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tổ chức thành lập nhiều bộ phận, đơn vị, công ty, thuê và sử dụng hàng ngàn cá nhân, câu kết chặt chẽ với nhau, thông đồng với các công ty thẩm định giá, triển khai rút tiền từ SCB.
Thành lập các “công cụ” để cho vay, giải ngân
Cơ quan công tố cho rằng, hoạt động của các chi nhánh chịu sự kiểm tra, kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh TPHCM nên từ năm 2020, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo Đinh Văn Thành (Chủ tịch HĐQT SCB); Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng Giám đốc SCB); Nguyễn Phương Hồng (Phó Tổng Giám đốc SCB) thành lập 3 đơn vị cho vay chỉ để phục vụ cho các khoản vay của bà Lan, gồm: Trung tâm kinh doanh khách hàng Wholesale, kênh kinh doanh trực tiếp thuộc khối doanh nghiệp, kênh kinh doanh trực tiếp thuộc khối dịch vụ ngân hàng và tài chính cá nhân.
Cả 3 đơn vị này có chức năng cho vay như các chi nhánh nhưng trực thuộc quản lý điều hành của hội sở SCB, không có bộ phận kho quỹ và con dấu riêng mà sử dụng con dấu của đơn vị khác khi hoạt động và chỉ lập hồ sơ cho vay đối với các khoản vay của bà Lan. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cáo buộc, từ ngày 3-6-2020 đến ngày 24-6-2022, các đơn vị cho vay trên đã lập hồ sơ, giải ngân cho 396 khoản vay với tổng dư nợ là hơn 212.500 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là hơn 185.000 tỷ đồng; nợ lãi và phí là hơn 27.500 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, bà Trương Mỹ Lan còn bị cáo buộc chỉ đạo thành lập, sử dụng các công ty “ma”, thuê/nhờ các cá nhân để đứng tên hồ sơ vay, cổ phần, tài sản đảm bảo, ký hợp thức chứng từ rút, nộp tiền để tạo lập hồ sơ vay vốn khống, rút tiền của SCB.
Với hành vi này, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao làm rõ và cho rằng, việc thành lập các công ty "ma" được bà Lan giao cho Hà Thục Kim, Đặng Phương Hoài Tâm (là người của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) phụ trách và phối hợp với Nguyễn Ngọc Dương và Nguyễn Phương Anh (là người của Công ty cổ phần Tập đoàn Peninsula) thực hiện, gồm: đặt tên, tìm địa chỉ trụ sở công ty, tìm thuê người đứng tên đại diện theo pháp luật, cổ đông, thành viên công ty, chọn ngành nghề kinh doanh... cho phù hợp với yêu cầu của bà Lan và đồng phạm.
Sau đó, các bị can Nguyễn Ngọc Dương chỉ đạo Trần Thị Kim Chi, Bùi Đức Khoa... tìm người đứng tên theo yêu cầu và cung cấp thông tin của họ cho Phan Chí Luân quản lý, cập nhật danh sách. Các công ty “ma” và cá nhân được thuê/nhờ đứng tên ngày càng nhiều để phục vụ cho mục đích rút tiền từ SCB của bà Lan.
Kết quả điều tra xác định, có 875 khách hàng gồm 440 cá nhân, 435 pháp nhân đứng tên 1.284 khoản vay, được bà Lan chỉ đạo nhóm đối tượng tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thành lập, thuê hoặc nhờ người đứng tên.