Nhiều bệnh nhân mắc ung thư kiệt quệ vì sức khỏe và tinh thần, hễ ai mách thầy hay, thuốc giỏi lại đổ xô đi săn lùng với mong muốn “còn nước, còn tát”. Lợi dụng những điểm yếu ấy, nhiều kẻ bất lương nhẫn tâm trục lợi trên nỗi đau thể xác, tinh thần của những bệnh nhân ung thư bằng việc bán những bài thuốc bí truyền, thực phẩm chức năng, quảng cáo chữa được bách bệnh, thậm chí là ung thư, HIV/AIDS giai đoạn cuối.
Nhưng theo các chuyên gia y tế, thực chất đó chỉ là những quảng cáo láo, vô tác dụng trong điều trị. Trong khi những bệnh nhân mắc bệnh ung thư ngày ngày gặm nhấm nỗi đau, kề cận với cái chết, nạn thuốc giả vẫn tồn tại, tình trạng lừa đảo vẫn tái diễn thì cơ quan ban ngành có chức năng, thẩm quyền đang ở đâu?
Nhớ lại, cách đây không lâu, vụ phù phép bột than tre thành thuốc chữa bệnh ung thư được Công ty Vinaca đóng gói bán ra thị trường khắp trong Nam ngoài Bắc, thản nhiên và lạnh lùng với cái giá không hề rẻ, thu lợi bất nhân từ chính những người bệnh ung thư đang ngày đêm vật vã với nỗi đau. Bản thân họ và gia đình sức cùng lực kiệt, nhiều gia đình đã phải bán hết những tài sản giá trị để lấy tiền mua thuốc chữa bệnh. Thậm chí, chỉ dám ăn những phần cơm từ thiện để dành tiền thuốc thang với mong muốn hơi thở cuối cùng sẽ chưa vụt tắt. Có bệnh thì vái tứ phương, nghe đâu đó có thầy hay, thuốc tốt có thể chữa bệnh lại chạy vay cầu cứu.
Kết quả là họ uống những thứ gì chỉ có người làm ra, bán ra mới biết. Bệnh chắc chắn không thuyên giảm mà ngược lại còn làm cái chết đến nhanh hơn. Người bệnh mỏi mòn trước nỗi đau bệnh hiểm nghèo, còn ở đâu đó vẫn tồn tại những kẻ vô lương tâm, mặt người dạ thú với những hành động giết người không dao này.
Dư luận đặt câu hỏi, trách nhiệm của các ngành chức năng ở đâu, nhất là trong thời gian gần đây xảy ra không ít vụ việc đáng lo ngại liên quan đến thuốc, thực phẩm chức năng? Mới đây, dư luận cũng xôn xao vụ nano vàng chữa được ung thư khiến người bệnh đổ xô săn lùng. Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) khẳng định, sản phẩm nano vàng chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành là thuốc chữa bệnh và cơ quan quản lý dược phẩm của Mỹ, châu Âu cũng chưa cấp giấy phép để nghiên cứu thử nghiệm nano vàng trong điều trị ung thư trên người. Hay như trước đó, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có văn bản hỏa tốc gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ sở kinh doanh thuốc, về việc thu hồi thuốc sản xuất từ nguyên liệu Valsartan do Công ty Zhejiang Huahai Pharmaceutical (Trung Quốc) sản xuất, vì chứa tạp chất N-nitrosodimethylamine (NDMA) có nguy cơ gây ung thư...
Theo bác sĩ Trần Ngọc Đăng Linh, Trưởng khoa Y học hạt nhân Bệnh viện Ung bướu TPHCM, việc điều trị ung thư là vấn đề rất lớn, rất phức tạp và đòi hỏi chuyên môn sâu, kết hợp đa mô thức, đa chuyên khoa mới có thể hiệu quả. Ung thư gồm rất nhiều loại khác nhau, diễn tiến khác nhau, điều trị khác nhau. Từng loại ung thư phải được nghiên cứu riêng. Các nghiên cứu qua nhiều giai đoạn, bắt đầu từ phòng thí nghiệm, sau đó mới được thử trên động vật, trên người. Cuối cùng, chỉ có những thuốc cho thấy an toàn (không gây độc hại cho sức khỏe) và hiệu quả (giúp tăng tỷ lệ khỏi bệnh) mới được cấp phép sử dụng.
Khi có bệnh, người bệnh nên tìm đến những cơ sở y tế có uy tín, bác sĩ có chuyên môn để được tư vấn và điều trị. Ngày nay, nhiều tiến bộ y khoa giúp điều trị khỏi rất nhiều bệnh nhân ung thư. Ngay cả giai đoạn cuối không còn khả năng điều trị khỏi thì bệnh nhân vẫn có thể được chăm sóc giảm nhẹ để có cảm thấy thoải mái hơn.
Trước khi cơ quan quản lý vào cuộc, người dân hãy thận trọng sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng. Đừng vội nghe những lời đường mật để rồi rước họa vào thân.