Hơn 1,3 tỷ cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (VPB) đã chính thức niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) vào ngày 17-8, với giá chào sàn là 39.000 đồng/cổ phiếu.
Với lượng cổ phiếu phổ thông niêm yết này, giá trị vốn hóa của VPBank ước đạt gần 52.000 tỷ đồng (gần 2,3 tỷ USD), vượt qua vốn hóa thị trường của Ngân hàng TMCP Quân đội - MBBank, trở thành ngân hàng TMCP tư nhân lớn nhất trên sàn chứng khoán.
Thổi giá?
Với mức giá chào sàn nói trên, VPB là mã cổ phiếu ngân hàng cao nhất trên sàn chứng khoán hiện nay, cao hơn cả VCB (Vietcombank, có giá tham chiếu trong ngày 17-8 là 35.700 đồng/cổ phiếu).
Trước đó, trên sàn OTC vào cuối năm 2016, VPB có mức giá giao dịch dưới mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu). Tuy nhiên, trước khi chính thức lên sàn HOSE vài tháng, cổ phiếu này tăng đột biến, có thời điểm lên đến 44.000 đồng/cổ phiếu, thậm chí có lệnh đặt mua trên sàn OTC lên đến 49.000 đồng/cổ phiếu.
Thế nhưng, mức giá này sau đó hạ nhiệt. Nhiều ý kiến cho rằng, sự tăng “nóng” của VPB trước thời điểm lên sàn HOSE là có yếu tố gom hàng để “thổi” giá, trong đó có sự gom mua của người bên trong ngân hàng. Theo bản cáo bạch niêm yết của VPBank, với cơ cấu cổ đông hiện tại, có gần 421 triệu cổ phiếu - tương đương 30% cổ phần - nằm trong tay các thành viên HĐQT và người thân.
VPBank hiện là ngân hàng TMCP tư nhân có vốn lớn nhất trên sàn chứng khoán. Ảnh: HUY ANH
Lý giải việc này, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank, cho rằng nhà điều hành và người trong ngân hàng mua cổ phiếu của VPB thì cũng là điều bình thường, thậm chí là điều đáng mừng, vì thể hiện sự tin tưởng và cam kết đồng hành lâu dài của các thành viên với ngân hàng.
Còn về giá niêm yết, ông Vinh cho biết không phải ngân hàng tự mình đưa ra, mà do các nhà phân tích độc lập (những công ty chứng khoán chuyên nghiệp, các quỹ đầu tư) phân tích, mổ xẻ. Các tổ chức này đưa ra mức giá từ 37.000 - 45.000 đồng/cổ phiếu và cuối cùng VPBank chọn ở mức 39.000 đồng/cổ phiếu.
Về phía đơn vị tư vấn, ông Tô Hải, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), cho biết ban đầu VCSC định giá VPBank tối thiểu 2 tỷ USD; còn mức vốn hóa thị trường 2,3 tỷ USD không phải do VCSC định giá, mà do thị trường, nhà đầu tư quyết định.
Kỷ lục hút vốn ngoại
Ghi nhận trên thị trường cho thấy, sau khi chào sàn ở mức 39.000 đồng/cổ phiếu (mức giá được nhận định khá cao so với mặt bằng chung và cao hơn so với mức giá trên thị trường OTC sát ngày chốt quyền lưu ký để lên sàn HOSE), ngay phiên giao dịch buổi sáng ngày 17-8, VPB đã bị bán khá mạnh khiến cổ phiếu này nhanh chóng giảm giá, thậm chí có lúc lùi về mức giá 33.000 đồng/cổ phiếu, giảm 15,39% so với mức giá tham chiếu.
Tuy nhiên, lực cầu mạnh từ nhà đầu tư nước ngoài đã giúp VPB phục hồi vào phiên chiều và giữ được mốc 39.000 đồng/cổ phiếu khi đóng cửa. Giao dịch đột biến tại VPB cũng là nguyên nhân khiến thanh khoản thị trường chứng khoán Việt Nam vọt tăng trong phiên ngày 17-8.
Với khối lượng khớp lệnh của VPB lên gần 58,3 triệu cổ phiếu (chiếm tỷ trọng 68% giao dịch trên HoSE), trong đó khối ngoại mua 37,35 triệu cổ phiếu (chiếm khoảng 2,8% vốn điều lệ VPBank), cộng với sở hữu trước đó khoảng 22,34%, tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại VPBank đã nâng lên hơn 25,1%, gần lấp đầu so với room quy định cho nhà đầu tư nước ngoài là 30%.
Ông Tô Hải thông tin, trước khi lên sàn, VPBank cùng VCSC đã tiếp xúc và được 78 nhà đầu tư nước ngoài chuyển tiền mua với mức giá 39.000 đồng/cổ phiếu VPB. Khối lượng đặt mua gấp 4 lần số lượng chào bán, đạt 1,2 tỷ USD.
“Đây là con số kỷ lục, chưa từng có trên thị trường, kể cả giai đoạn thị trường chứng khoán Việt Nam tăng nóng vào năm 2007. Việc hút một lượng lớn vốn ngoại như vậy cũng chưa từng xảy ra ngay cả với các ngân hàng lớn trước đây và cũng khó lặp lại ở các ngân hàng khác. Đặc biệt, có khoảng 500 triệu USD có nhà đầu tư đặt mua với giá 44.000 đồng/cổ phiếu”, ông Hải cho hay.
Ban đầu, VPBank chốt kế hoạch chào bán lượng cổ phiếu mới tương ứng 11% vốn điều lệ. Nhưng lượng đặt mua của các nhà đầu tư nước ngoài lên tới gấp 4 lần. Ông Nguyễn Đức Vinh cho biết, HĐQT phải điều chỉnh bằng phương án thuyết phục các cổ đông hiện hữu giảm tỷ lệ sở hữu để bán lại, đáp ứng một phần nhu cầu lớn này n
Mặc dù có sự góp mặt của cổ phiếu ngân hàng cao nhất trên sàn chứng khoán (VPB), nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn ở mức giá “ì ạch”.
Trong ngày 17-8, nhóm cổ phiếu ngân hàng giao dịch rất yếu, ngoài VPB giữ được tham chiếu, còn lại BID giảm 4%, MBB giảm 3,08%, CTG giảm 1,85%, STB giảm 1,25%, EIB giảm 6,61%, SHB giảm 1,27%, ACB giảm 1,16%. Tuy nhiên, VPB hôm nay chưa được tính vào VN-Index. Chốt phiên giao dịch, VN-Index giảm 5,98 điểm, rơi khỏi mốc 770 điểm, xuống còn 767,59 điểm.