Nguyên nhân EIB thoát khỏi cảnh báo được HoSE cho biết là vì Eximbank đã khắc phục được nguyên nhân dẫn đến cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo theo quy định tại khoản 4.2 Điều 22 Quy chế niêm yết chứng khoán tại HoSE ban hành kèm theo quyết định số 85/QĐ-SGDHCM ngày 19-3-2018 (thoát khỏi tình trạng lỗ lũy kế).
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2017, Eximbank có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 215,5 tỷ đồng. Năm 2017, Eximbank đạt hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng gấp 2,6 lần so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế đạt 822 tỷ đồng, lãi cơ bản trên cổ phiếu là 669 đồng/cổ phiếu. Như vậy, sau 2 năm, Eximbank đã khắc phục được tình trạng để cổ phiếu rơi vào diện cảnh báo.
Trước đó, đầu tháng 4-2016, HoSE đã quyết định đưa cổ phiếu EIB vào diện bị cảnh báo từ 8-4-2016 và tình trạng này tiếp tục duy trì đến nay. Nguyên nhân là do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31-12-2014 đã bị điều chỉnh hồi tố từ 114 tỷ đồng xuống còn âm 834,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31-12-2014 là âm 817 tỷ đồng nên bị đưa vào trường hợp chứng khoán bị đưa vào diện bị cảnh báo.
Sau khi chính thức thoát khỏi cổ phiếu thuộc dạng cảnh báo, trên thị trường chứng khoán ngày 3-4, cổ phiếu EIB chốt phiên tăng 600 đồng/CP lên 14.500 đồng/CP.
Trước đó, sau khi đạt mức đỉnh giá 16.200 đồng/CP vào ngày 30-1-2018, sau nhiều vụ khách hàng gửi tiền tại Ngân hàng Eximbank bị mất, cổ phiếu EIB có thời điểm rớt xuống dưới 14.000 đồng/CP trong tháng 3-2018, tương ứng mất hơn 12% trong vòng hơn 1 tháng. Vốn hóa thị trường của ngân hàng này theo đó sụt giảm gần 2.400 tỷ đồng vào thời điểm đó, xuống mức 17.519 tỷ đồng.