Sáng 21-11, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).
Cùng tham dự có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và hơn 350 đại biểu là lãnh đạo các bộ ngành, một số địa phương và đông đảo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các tổ chức ở trong và ngoài nước.
Báo cáo của Bộ Tài chính về đánh giá tình hình cơ cấu lại, các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cho thấy, cổ phần hóa (CPH) là giải pháp quan trọng trong sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại DNNN.
Kết quả CPH, thoái vốn đã tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau CPH. Hầu hết các DNNN sau cổ phần hóa đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên.
Tuy nhiên, quá trình đổi mới DNNN thời gian qua cũng còn những tồn tại, hạn chế. Tính đến hết tháng 11-2018, mới có 35/526 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại.
Về kế hoạch CPH, giai đoạn 2017 - 2020 CPH 127 doanh nghiệp, nhưng đến nay mới CPH được 27/127 doanh nghiệp trong kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (chiếm 21%).
Trong đó, theo kế hoạch được Thủ tướng phê duyệt thì năm 2018 phải hoàn thành CPH ít nhất 85 doanh nghiệp (trong đó có 21 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2017). Tuy nhiên, đến ngày 18-11-2018 mới CPH được 12 doanh nghiệp. Khi thực hiện bán cổ phần lần đầu, có một số doanh nghiệp tỷ lệ bán còn rất thấp so với phương án đã duyệt.
Về kế hoạch thoái vốn, theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg thì năm 2017 có 135 doanh nghiệp, năm 2018 có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn, tuy nhiên lũy kế đến nay mới chỉ có 31 đơn vị thực hiện thoái vốn theo kế hoạch. Như vậy, việc triển khai thoái vốn nhà nước còn chậm, có khả năng không đạt kế hoạch đề ra.
Về kế hoạch và tình hình sử dụng thu từ CPH, thoái vốn, báo cáo cho hay, theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội, trong giai đoạn 2016 – 2020, nguồn thu từ CPH, thoái vốn phải đảm bảo đáp ứng tối thiểu 250.000 tỷ đồng theo yêu cầu nguồn vốn cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020.
Thực tế, từ năm 2016 đến ngày 18-11-2018, đã chuyển 135.000 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước (NSNN), số còn phải chuyển về NSNN là 115.000 tỷ đồng.
Về kế hoạch và tình hình chuyển giao quyền đại diện vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì danh mục doanh nghiệp thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC giai đoạn từ 2017 - 2020 là 62 doanh nghiệp với tổng giá trị khoảng 11.000 tỷ đồng thực hiện thoái vốn.
Tính đến hết tháng 11-2018, các bộ, ngành, UBND các tỉnh mới hoàn thành chuyển giao về SCIC 27/62 doanh nghiệp; số doanh nghiệp chưa chuyển giao gồm 35 doanh nghiệp với tổng số vốn nhà nước là 10.107 tỷ đồng trên tổng số vốn điều lệ là 14.706 tỷ đồng tại 5 Bộ và tỉnh thành.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, kết quả công tác CPH hóa, thoái vốn đã có tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau CPH.
Hầu hết các DNNN sau CPH đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên. Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp cổ phần hoạt động kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nên không bảo toàn được vốn chủ sở hữu như Công ty cổ phần Lương thực và Dịch vụ Quảng Nam (âm vốn chủ sở hữu 79 tỷ đồng); Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Đà Nẵng (âm vốn chủ sở hữu 41 tỷ đồng)...
Đề ra giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ, phải hoàn thành danh mục thoái vốn theo đúng tiến độ trong năm 2018 – 2020.
Trường hợp không triển khai thoái vốn đúng tiến độ đối với những danh mục đã được duyệt, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước có trách nhiệm chuyển giao về SCIC để tổ chức thoái vốn theo quy định trước 31-12-2018.
“Kiên quyết xử lý dứt điểm các DNNN, các dự án đầu tư chậm tiến độ, hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả theo cơ chế thị trường”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, CPH, thoái vốn và quản lý, sử dụng vốn nhà nước.
Bổ sung nội dung kiểm tra, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong việc chấp hành kỷ luật hành chính khi thực hiện kế hoạch cổ CPH và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; trách nhiệm trong việc tổ chức, hoàn thành kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh hàng năm.
Khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tái cơ cấu DNNN là một trong trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó CPH, thoái vốn tại DNNN là nhiệm vụ quan trọng. Quốc hội cũng đã giám sát về vấn đề CPH, thoái vốn tại DNNN và có Nghị quyết, trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động.
Trong nhiệm kỳ này, Thủ tướng cũng đã ban hành kế hoạch tái cơ cấu DNNN, thành lập Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Đến nay đã bàn giao các tập đoàn, tổng công ty về ủy ban, chuyển sang mô hình tập trung đại diện chủ sở hữu nhà nước.
“Nhận thức là quan trọng, quan điểm của chúng ta là DNNN chỉ làm những lĩnh vực cần thiết, thực hiện thoái vốn ở DNNN, kể cả những DN làm ăn tốt. Vẫn còn tình trạng một bố bộ ngành, địa phương muốn “giữ” những DNNN làm ăn có lãi, không muốn thoái vốn”, Phó Thủ tướng nêu và cho đó là một trong nguyên nhân khiến số lượng DN được CPH, thoái vốn còn rất chậm.