Theo Bộ Tài chính, lũy kế giai đoạn năm 2016-2019, đã có 168 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là hơn 400.000 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là hơn 200.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 168 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 36/168 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục 128 doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn năm 2016-2020 (đạt 28% kế hoạch). Số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 doanh nghiệp. Như vậy, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp còn chậm, không đạt được kế hoạch đề ra.
Về thoái vốn, trong năm 2019 có 13 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn với giá trị 896 tỷ đồng, thu về 1.839 tỷ đồng. Lũy kế giai đoạn năm 2017-2019, việc thoái vốn nhà nước tại 92 đơn vị với giá trị 4.704 tỷ đồng, thu về 8.964 tỷ đồng. Việc triển khai thoái vốn, theo Bộ Tài chính cũng diễn ra chậm khi chỉ đạt 7,8% kế hoạch.
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, những mục tiêu không đạt được trong việc cổ phần hóa, thoái vốn nêu trên có nguyên nhân nhận thức của người đứng đầu doanh nghiệp chưa cao, chưa quyết liệt. Sắp tới, bộ sẽ xây dựng, trình Chính phủ ban hành một số quy định tạo hành lang tốt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp.
Cùng ngày, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị “10 năm hoạt động và phát triển của thị trường trái phiếu Chính phủ”.
Sau 10 năm hoạt động, thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) đã có sự tăng trưởng ấn tượng cả về quy mô và tính thanh khoản, đóng vai trò then chốt để phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu. Quy mô thị trường TPCP đến hết tháng 11-2019 bằng 25,1% GDP năm 2019 và gấp 12 lần so với năm 2009. Khối lượng giao dịch bình quân phiên trong 11 tháng đầu năm 2019 đạt 9.000 tỷ đồng/phiên, tăng 24 lần so với năm 2009, bằng 0,9% dư nợ trái phiếu niêm yết. Thị trường TPCP Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 27%/năm trong thập kỷ vừa qua là mức tăng cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á.