Nộp ngân sách 60.000 tỷ đồng từ thoái vốn, cổ phần hóa
Tính đến nay, có 45 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa, nhưng số doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hóa rất thấp. Theo tổng giá trị thực tế vốn của các doanh nghiệp cổ phần hóa được phê duyệt là hơn 213.00 tỷ đồng (trong đó, giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 88.390 tỷ đồng). Nhưng tổng vốn điều lệ theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt chỉ gần 94.000 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 42.000 tỷ đồng (chiếm gần 45%), bán cho nhà đầu tư chiến lược 36.350 tỷ đồng (38%), bán cho người lao động 350 tỷ đồng (0,37%), bán cho tổ chức công đoàn 20 tỷ đồng (0,02%). Số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 15.159 tỷ đồng, chiếm 16,1% tổng vốn điều lệ.
Thế nhưng, tính đến cuối năm 2017, số doanh nghiệp đã hoàn thành cổ phần hóa chỉ đạt khoảng trên 50%. Mặc dù những lý do về khách quan như “thị trường ảm đạm, bán cổ phần khó khăn” không còn nữa nhưng việc cổ phần hóa vẫn chậm so với những năm trước. Nguyên nhân bây giờ là do doanh nghiệp có quy mô lớn, xác định giá trị của doanh nghiệp là bất động sản, giá trị thương hiệu khó khăn.
Về tình hình thoái vốn, trong năm 2017, chỉ có 10 đơn vị thực hiện thoái vốn; trong đó có 8 đơn vị thuộc kế hoạch năm 2017 và 2 đơn vị thuộc kế hoạch năm 2018. Tuy nhiên, số vốn thoái được thu về rất lớn do có nhiều doanh nghiệp lớn thoái vốn, điển hình như Habeco, Sabeco… Qua đấu giá, Bộ Công thương đã bán thành công 53,59% vốn điều lệ của Sabeco với mức giá thành công bình quân đến 320.000 đồng/cổ phần. Số tiền dự kiến thu về khoảng 110.000 tỷ đồng, tương đương 4,8 tỷ USD. Việc thoái vốn đầu tư ở các ngành không thuộc sản xuất kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty, DNNN thì trong năm các đơn vị đã thoái 182 tỷ đồng vốn, thu về 292 tỷ đồng ở 5 lĩnh vực nhạy cảm. Đồng thời, đã thoái được hơn 1.800 tỷ đồng vốn, thu về 2.953 tỷ đồng tại các lĩnh vực khác.
Riêng các doanh nghiệp do Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý, SCIC đã bán vốn tại 40 doanh nghiệp với giá trị hơn 1.900 tỷ đồng, thu về 21.640 tỷ đồng (bao gồm cả số vốn thoái của Vinamilk trong năm 2016 với giá trị sổ sách 783 tỷ đồng, thu về 11.286 tỷ đồng và thoái trong năm 2017 với giá trị sổ sách 247 tỷ đồng, thu về 8.990 tỷ đồng).
Như vậy, tuy số doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn không nhiều nhưng nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, đưa vào cân đối vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách Nhà nước năm 2017 vẫn đạt 60.000 tỷ đồng, đảm bảo theo Nghị quyết được Quốc hội giao.
Chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn chậm
Trong năm 2017, nhiều cơ chế, chính sách quan trọng để thúc đẩy công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN đã được ban hành. Cụ thể, Quyết định số 707/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020”; Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16-11-2017 về chuyển DNNN và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần... Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện các đề án, chính sách về sắp xếp, đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN; tích cực đôn đốc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước khẩn trương triển khai thực hiện tái cơ cấu DNNN.
Mặc dù số lượng doanh nghiệp hoàn thành sắp xếp, cơ cấu lại không nhiều, nhưng đó là những doanh nghiệp có quy mô vốn lớn, lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Việc hoàn thiện khung khổ pháp lý này không những giải quyết các tồn tại về cơ chế, chính sách cổ phần hóa trong giai đoạn trước mà còn tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa DNNN trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên, theo nhìn nhận chung, công tác cổ phần hóa vẫn còn nhiều điểm yếu trong cả cơ chế chính sách lẫn thực thi. Cụ thể, nghị định về điều lệ tổ chức và hoạt động của một số tập đoàn, tổng công ty lớn vẫn chưa được ban hành. Tiến độ phê duyệt đề án cơ cấu lại, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước còn chậm so với kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, vẫn còn một số bộ ngành, địa phương, đơn vị bị động, chưa quyết liệt, gây ảnh hưởng đến việc hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN của cả nước. Ngoài ra, công tác đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn chứng khoán của các DNNN sau khi cổ phần hóa chưa thực hiện nghiêm túc (có tới 747 doanh nghiệp chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán). Các doanh nghiệp sau cổ phần hóa cũng cố tình trì trệ, chậm được chuyển giao về SCIC.