Theo ĐB Phong Lan, Luật Đấu thầu được Quốc hội khóa XIII ban hành tới thời điểm này đã bộc lộ rất nhiều khiếm khuyết, đặc biệt là trong đấu thầu thuốc. “Mục đích của đấu thầu là để có những sản phẩm chất lượng và kiểm soát được giá cả. Nhưng thời gian qua xảy ra tiêu cực quá nhiều. Dự thảo luật có các quy định nhằm tăng cường những biện pháp giám sát, tuy nhiên sẽ làm tăng thời gian, công sức, mà hiệu quả chống tiêu cực chưa rõ”, nữ ĐB bình luận.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan đề nghị ban soạn thảo quy định một chương riêng về đấu thầu thuốc; đồng thời đa dạng hóa các phương thức để có được hàng hóa, dịch vụ, có được thuốc cho người bệnh, chứ không chỉ có hình thức đấu thầu. Bên cạnh đó, do thuốc là mặt hàng thiết yếu, khi đấu thầu sẽ có tình trạng các đơn vị dự thầu từ chối không tham gia thầu hoặc hủy thầu, trong trường hợp này cần có cách giải quyết đặc biệt để có thuốc phục vụ điều trị cho bệnh nhân.
Một nội dung khác được ĐB bày tỏ quan tâm là quy định về chọn giá kế hoạch. “Cần căn cứ theo thị trường, không thể căn cứ vào giá trúng thầu của năm trước để làm giá kế hoạch của năm sau. Như vậy dẫn đến giá đấu thầu thuốc càng ngày càng thấp và không bảo đảm được chất lượng”, ĐB phân tích. ĐB Phong Lan cũng đề nghị bổ sung đánh giá của bác sĩ điều trị về thuốc đấu thầu, trong đó cần được lượng hóa và tính thành số điểm và phải chịu trách nhiệm công khai, minh bạch bởi Hội đồng thuốc và điều trị.
“Bệnh nhân không thể một ngày không có thuốc”, ĐB Nguyễn Tri Thức (TPHCM) nói. Đồng tình với ĐB Phong Lan về việc bổ sung quy định riêng về đấu thầu thuốc, song ĐB cho rằng, cần có thêm những quy định riêng khi đấu thầu trang thiết bị y tế và vật tư y tế tiêu hao.
Đây cũng là quan điểm của ĐB Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội). ĐB Trần Thị Nhị Hà cho biết, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thường xuyên được nhận viện trợ tài trợ máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại. Trong quá trình vận hành máy móc phải sử dụng các dịch vụ phi tư vấn, do cần phải đảm bảo tính tương thích về công nghệ, bản quyền nên không thể mua từ các nhà cung cấp khác.
ĐB đề nghị đối với trường hợp trang thiết bị nhận được từ viện trợ tài trợ cần phải được sửa đổi theo hướng: gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn phải mua từ nhà thầu, từ nhà cung cấp theo nguồn tài trợ viện trợ đã thực hiện trước đó, do cần phải đảm bảo tính tương thích về công nghệ bản quyền mà không thể mua được từ nhà thầu khác; gói thầu cung cấp hóa chất sinh phẩm, linh kiện, phụ kiện thay thế trong trường hợp trang thiết bị, máy móc chỉ sử dụng được loại hóa chất sinh phẩm, linh kiện, phụ kiện thay thế mới đảm bảo yêu cầu về mặt chuyên môn.
Về chỉ định thầu trong mua sắm trang thiết bị y tế đặc chủng, ĐB Trần Thị Nhị Hà đề xuất bổ sung thêm trường hợp chỉ định thầu dành cho việc thực hiện mua một số loại trang thiết bị y tế đặc chủng trên thế giới chỉ có 1 hoặc 2 nhà sản xuất chế tạo và bán thương mại trên thị trường. Theo ĐB, dự thảo luật cần bổ sung quy định chỉ định thầu rút gọn trong trường hợp cấp bách thiên tai, dịch bệnh; mở rộng các trường hợp áp dụng chỉ định thầu rút gọn, bao gồm cả trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm và thuốc.