Cơ duyên làm từ thiện
Cô Nguyễn Thị Nở (ngụ phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TPHCM) nhớ lại: “Ngoài đóng góp kinh phí với các nhà hảo tâm, lúc ấy tôi thường đi nấu cơm chay ở chùa và các tổ chức xã hội. Thật tình, tôi nấu nướng rất “tùy duyên”. Bởi lẽ, khi xưa tôi bận việc kinh doanh, nhà có người giúp việc nên ít quan tâm chuyện bếp núc. Mấy năm gần đây, công việc kinh doanh tạm ổn, tôi chuyển công việc cho con, cháu trong gia đình làm, để rảnh tay đi làm công tác xã hội. Sau vài khóa học với các chuyên gia ẩm thực, tay nghề nấu nướng của tôi được nâng cao và nay trở thành bếp trưởng. Tôi có thể tổ chức chế biến, sơ chế, nấu nướng các món cho hàng trăm suất ăn mỗi lần. Thời điểm này, hôm nào tôi cũng dành thời gian đến với các bếp ăn tình thương, bếp ăn xã hội của nhà chùa hay tổ chức xã hội, hoặc tổ chức nấu tại nhà để phát các phần cơm chay cho người cơ nhỡ đang lưu trú gần nhà".
Một lần, cô Nở theo đoàn từ thiện đi phát quà, trao nhà tình thương ở xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, khi xong việc, đoàn chuẩn bị trở về thành phố thì chợt trông thấy một cụ bà đi chân đất, đội nón lá, ôm gói quà cứ chần chừ đứng ở góc sân, chưa chịu về. Cô Nở chủ động đến nắm tay bà, nói: “Hôm nay nhận được quà, bà có vui không? Trưa rồi, nắng quá sao bà chưa về?, để tụi con đưa về nghen”. Hình như chỉ chờ có vậy, bà nói ngay: “Má năm nay 84 tuổi rồi con. Trời Phật thương, vẫn đi lại được. Nghe tin mấy đứa đi phát quà cho bà con nghèo ở vùng này, má mừng quá, suốt đêm qua không ngủ được, mong trời mau sáng để đến đây nhận quà. Nói thiệt với mấy đứa, má từng tuổi này rồi, nhưng chưa bao giờ thấy chiếc xe máy dựng ngay trước cửa nhà mình. Má chỉ mơ chiếc xe máy của ai đó dựng ở nhà mình; vậy thôi”. Cô Nở xin đoàn từ thiện nán lại để đi cùng bà về nhà. Và, cái “tùy duyên” xây cầu nảy ra từ đó...
Những chiếc cầu đong đầy yêu thương
Từ nhà bà cụ trở ra nơi tập trung, cô Nở không ít lần kéo nón che dòng nước mắt. Cô kể: “Nếu không đi theo bà thì tôi không thể hình dung được lời bà nói về việc chưa bao giờ thấy xe máy dừng trước cửa nhà. Đường đến nhà bà phải qua mấy cây cầu khỉ. Người đi còn khó thì làm sao xe máy qua được. Ước mơ của bà đã theo tôi trên suốt chặng đường về”.
Trở lại thành phố, đêm đó cô Nở đã trao đổi với bạn bè thân quen. Ai cũng đồng tình, nhưng chuyện xây cầu gặp không ít khó khăn. Những khó khăn bước đầu đã được cô Nở hóa giải từ lần trở lại địa phương và được chính quyền tạo mọi điều kiện hỗ trợ, việc thi công xây dựng sẽ do người dân tại chỗ thực hiện. Nhờ vậy, kinh phí xây cầu được giảm tối đa.
Chú Nguyễn Đức Đạt (nhà ở phường 27, quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết: “Lần đầu tiên xây cầu cho người dân ở xã Tân Hào, nhóm của cô Nở đã làm 3 cây cầu bê tông. Việc xây cầu của cô Nở rất nhân văn nên tôi đã tham gia các dự án đó”.
Cô Nở vận động được kinh phí của các hộ dân cũng như nhà hảo tâm tại chỗ. Chẳng hạn, có cây cầu kinh phí xây dựng là 50 triệu đồng, nhưng cô Nở chỉ huy động được 45 triệu đồng. Cô Nở nhờ chính quyền tổ chức gặp gỡ trực tiếp những người sẽ thụ hưởng từ cây cầu chuẩn bị xây dựng để trình bày khó khăn, mong bà con đóng góp thêm, và bà con đã chung tay xây cầu để tiện đi lại. Những cây cầu của cô Nở “tùy duyên” góp tay xây dựng đong đầy yêu thương, trách nhiệm với người dân vùng sâu, vùng xa!
Từ cuối năm 2021 đến nay, chỉ riêng tại huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, cô Nở và bạn bè đã xây dựng hàng chục cây cầu bê tông thay thế cầu khỉ. Đó là những cây cầu rất ý nghĩa, đong đầy yêu thương... |