Ngày chúng tôi gặp lại nhau, cô vẫn cười thật tươi khi trò chuyện, dù ngày mai cô sẽ phải phẫu thuật điều trị bệnh. Tôi đến thăm cô trong bệnh viện và gặp mẹ cô. Qua một vài chia sẻ của bà, tôi biết cuộc sống gia đình bạn tôi không hạnh phúc. Bố cô bỏ đi, mẹ cô dù làm việc vất vả cũng không đủ lo cho chị em cô ăn học. Và trong suốt thời gian đi học, cô vừa học vừa làm để phụ giúp mẹ lo cho các em. Mẹ cô bảo, bệnh của cô là do những ngày vừa học vừa làm, ăn uống thất thường, ít nghỉ ngơi, bởi thế nên bà luôn cảm thấy chính bà là người có lỗi... Thì ra bạn tôi không hề hạnh phúc, chỉ là bạn đã ứng xử khác khi đối diện với nó.
Trong cuộc sống này, đôi khi chúng ta chỉ nhìn vào vẻ ngoài của người khác, vào cuộc sống tưởng như hạnh phúc hay vào sự thành công nổi bật của họ để tán dương, ca ngợi. Thậm chí, đôi khi ta còn thầm trách sao mình không được sinh ra “bởi một vì sao tốt”. Chúng ta đã không kịp nhận ra rằng, đằng sau những gì chúng ta nhìn thấy ấy là những nỗi niềm riêng, những khó khăn, thử thách và thậm chí là sự đau khổ, buồn phiền mà họ đang gặp phải... Có lẽ cũng vì thế mà người đời dùng câu thành ngữ “Cỏ bên kia đồi thường xanh hơn” để thầm nhắn nhủ với mọi người rằng, những gì mà con người nhìn thấy bên ngoài kia chỉ là bề nổi. Rất có thể khi bạn đang ao ước cuộc sống như ai đó, sự thành công hay giàu có của họ thì họ cũng đang ao ước cuộc sống giản dị như bạn mà thôi.
Tôi có một anh bạn là một nhà thơ, nhà văn có tiếng tại Nam Định. Lúc lên 5 tuổi, anh bị một tai nạn gây tổn thương dây thần kinh tủy sống khiến anh không thể đi lại được. Nhưng anh không đầu hàng số phận, anh dùng một bên má hỗ trợ những ngón tay không cử động bình thường để viết chữ, học chữ và với nghị lực phi thường anh đã học và tốt nghiệp cử nhân ngành công nghệ thông tin, hình thức đào tạo từ xa của Đại học Đà Nẵng. Anh tự học nhiều thứ, thành thạo 2 ngoại ngữ, làm văn, làm thơ và đoạt rất nhiều giải thưởng.
Một lần vào trang cá nhân của anh, tôi lặng đi trước những dòng tâm sự: “Nhiều bạn thắc mắc rằng sao lúc nào tôi cũng te tởn như con tinh tinh sổng chuồng và tôi xin chia sẻ một vài điều về việc ấy. Tôi đủ khả năng và điều kiện để than vãn, kêu ca cho sự khốn khổ của mình. Tôi đủ văn để diễn những lâm ly bi đát khiến mọi người rơi nước mắt... Rồi nghe xong, mọi người sẽ thở dài rằng: “Trời ơi, khốn khổ thế, tội nghiệp thế”. Cụ Goethe có nói một câu rất hay rằng: “Đừng đem nỗi buồn của mình đi chia cho người khác”, tôi rất nhất trí với quan điểm này. Trong cuộc sống vốn đã lắm điều lo toan này, làm sao tôi có thể gieo rắc thêm nỗi buồn của tôi nữa?”.