Có những dự án yêu cầu Nhà nước “giải cứu” với lý do... phản khoa học

Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), có những dự án PPP yêu cầu Nhà nước phải “giải cứu” bằng cách mua lại, với lý do đường huyết mạch, nhưng lưu lượng xe quá ít nên thu không đủ. Ngược lại, một số dự án BOT, xe quá nhiều thì Bộ GTVT lại tìm cách bớt thời hạn thu phí, trái với hợp đồng đã thỏa thuận.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) phát biểu tại phiên thảo luận sáng 9-11. Ảnh: VIẾT CHUNG
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) phát biểu tại phiên thảo luận sáng 9-11. Ảnh: VIẾT CHUNG

Đây là ý kiến thẳng thắn của đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, diễn ra cuối buổi sáng 9-11.

Bày tỏ băn khoăn về danh mục các dự án kèm theo dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội lần này, ĐB Trương Trọng Nghĩa nhận xét, điều 3 dự thảo nghị quyết quy định về nguyên tắc, tiêu chí nhưng lại không có các tiêu chí cần phải có như tính hiệu quả, tính hợp lý và tính cấp thiết.

“Dự thảo Nghị quyết không có những nội dung cụ thể tiêu chí này, nhưng lại có danh mục dự án. Vậy thì, liệu các dự án có trong danh mục có bảo đảm yêu cầu không?”, ĐB nêu vấn đề và phản ánh, thực tế có những dự án PPP yêu cầu Nhà nước “giải cứu” bằng cách mua lại, với lý do… phản khoa học là đường huyết mạch, nhưng lưu lượng xe quá ít nên thu không đủ. Ngược lại, một số dự án BOT, xe quá nhiều, thậm chí quá tải, thì Bộ GTVT lại tìm cách bớt thời hạn thu phí, trái với hợp đồng đã thỏa thuận. Đại biểu đặt vấn đề về người chịu trách nhiệm về tính hợp lý, hiệu quả của các dự án.

“Để đại biểu Quốc hội an tâm bấm nút thông qua danh mục dự án, cần phải thẩm tra, khẳng định được những dự án này là hợp lý, cấp thiết và hiệu quả. Nếu không, đề nghị giao Chính phủ quyết định”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

ĐB Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang). Ảnh: VIẾT CHUNG

ĐB Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang). Ảnh: VIẾT CHUNG

Trước đó, cũng nêu nhiều băn khoăn, ĐB Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) cho rằng, việc thực hiện thí điểm cần có địa chỉ, thời gian, giới hạn cụ thể. Theo ĐB, việc xác định các nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm rất quan trọng, là cơ sở để xem xét, quyết định một dự án có thuộc diện được áp dụng thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù trong dự thảo Nghị quyết hay không.

“Nếu thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, chỉ cần quy định cụ thể các tiêu chí để các cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào đó xác định dự án nào đáp ứng đủ tiêu chí và sau thời gian thí điểm sẽ tiến hành tổng kết. Còn trường hợp quy định một số dự án được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù, chỉ cần quyết định cụ thể các dự án nào được hưởng cơ chế đặc thù đó và lý do dự án được áp dụng cơ chế đặc thù”, ĐB lập luận.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đồng tình với một số ĐB khác, theo đó, để dự án triển khai nhanh và hiệu quả thì các dự án liên quan tới việc đẩy nhanh tiến độ cũng như góp phần vào hiệu quả của dự án (như tái định cư, xây dựng trạm dừng nghỉ trên cao tốc…) cũng cần được hưởng cơ chế đặc thù.

ĐB Phan Đức Hiếu (Thái Bình). Ảnh: VIẾT CHUNG

ĐB Phan Đức Hiếu (Thái Bình). Ảnh: VIẾT CHUNG

Về tỷ lệ tối đa phần vốn góp của Nhà nước vào dự án PPP, các ý kiến tại phiên thảo luận còn khác nhau. Nhiều ý kiến đồng tình với mức trần 70% như dự thảo, song ĐB Phan Đức Hiếu (Thái Bình) đề nghị lên tới 80%. Ông nói: “Cơ sở quan trọng nhất, mấu chốt nhất để xác định như thế nào là hợp lý, nếu cơ chế quá rụt rè thì sẽ không có công trình, không có dự án và không có lợi ích khác”.

Cùng quan điểm, ĐB Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) nhìn nhận, những dự án thực hiện ở vùng xa xôi, vùng núi Tây Nguyên, Tây Bắc có thể tăng tỷ lệ vốn Nhà nước lên 80 - 85% cũng hợp lý.

Tin cùng chuyên mục