Có những điều mạnh mẽ hơn cây roi

Những ngày này, mọi người hay nhắc tới câu: “Để nuôi một đứa trẻ cần cả một ngôi làng” và tranh luận với nhau về việc thương con có nên cho roi vọt? Tôi bật cười khi nhớ tới kỷ niệm ấu thơ của mình sống trong khu tập thể giao thông ở ngoại thành TP Vinh, Nghệ An. Đúng là một đứa nhỏ lớn lên cần cả khu tập thể (cũng như ngôi làng), không thì chắc chắn có ngày no đòn vì… không có ai can ngăn. 
Hãy làm bạn cùng con cho đến khi con trưởng thành. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
1. Hầu hết những nhà trong khu tập thể đều có roi dắt trên bức tường. Nhà hàng xóm đang ăn cơm nghe tiếng trẻ con khóc ré lên cũng bỏ bát đũa đó mà chạy qua can ngăn. Đứa trẻ con sau khi bị bố mẹ cho ăn đòn, thường thì chú hàng xóm cho quả ổi, cái bánh đa với lời an ủi: “Đau lắm phải không? Lần sau thì chừa đi nha”.

 Nhà thằng bạn thân của tôi, ông bố là giám đốc cơ quan. Lẽ dĩ nhiên việc đầy trên đầu mà con cái siêu quậy, nói không nghe lời thì roi là biện pháp mạnh cuối cùng. Chí ít là các bố mẹ trong khu tập thể vẫn nghĩ thế. Nhà nó cạnh bụi tre. Ông bố chặt một cành tre thật chắc treo lên tường. Nhìn vào rõ sợ. Nhưng chỉ canh khi ông quay đi, bà mẹ sẽ lén thay vào đó một cành khô xốp. Dĩ nhiên khi ông con gây tội, cái roi chỉ phẹt vào mông là gãy nhưng ông con vẫn ngoác miệng kêu to như đau đến chết. Bố nó sẽ hầm hừ: “May mà roi gãy đấy. Lần này cho nợ. Để đi chặt cây khác. Lần sau còn tái phạm thì biết tay”. Và điệp khúc tráo roi lại tiếp tục như thế nhiều lần suốt tuổi thơ nó. 

Bạn tôi tưởng rằng nó có một bí mật, mẹ nó có một bí mật “qua mắt” được bố mình. Sau mỗi trận đòn mà thằng bạn tôi “bí mật” kể cho tôi nghe thì dần dần nó ngoan lên. Vì nhìn thấy ánh mắt mẹ xót xa con sau khi bị bố đánh; vì mẹ nói: “Nhỡ có ngày mẹ không kịp thay roi thì làm sao con sống nổi? Mẹ cũng chết vì đau lòng”. Về sau, khi làm bố, làm mẹ, chúng tôi bật cười nhắc chuyện cũ, bảo các cụ “chơi chiêu” khéo thật. Trị con là chính, chứ một khi muốn đánh con, roi gãy thì khó gì, bước ra thềm là có bụi tre ngay bên cạnh.

Tôi hay theo thằng bạn thân và nhóm bạn siêu quậy đi chơi, nên dĩ nhiên, không tránh được đòn roi. Có lần cả đám rủ nhau đi trộm ổi bị ông chủ vườn cách nhà vài trăm mét qua từng nhà mách. Lần lượt từng nhà có tiếng khóc váng lên, là biết ngay “đồng bọn” mình đang bị trị tội rồi. Thường thì bọn trẻ con trong xóm sẽ bị đánh vì tính dối trá, trộm cắp vặt, lười học (tội lười học đứng cuối bảng - có đứa bị đánh, có đứa không). Vụ dối trá, nhớ có đứa bạn được điểm 3, nó vẽ thêm bằng mực đỏ, sửa lại thành điểm 8. Thay vì mỗi lần bị 3 điểm, ăn ba roi thì vẽ lại điểm 8 bị xử đến 8 roi.
    
Chúng tôi quen với việc ăn đòn cho đến khi nhà tôi rời khu tập thể, dọn lên trung tâm thành phố. Không biết vì khi ấy tôi đã lớn (học lớp 4) hay vì ở trung tâm người ta hầu như không đánh con nít mà cái roi tre không được sử dụng tới, lẳng lặng biến mất từ lúc nào không hay.

2. Bạn thân thời cấp 2 của tôi kể kỷ niệm vui ngày còn học lớp 5. “Một hoàn cảnh, hai số phận” - là khi hai đứa bạn thân rủ nhau trốn bố mẹ đạp xe ra biển cách nhà 20km chơi từ sáng tới tối mịt mới mò về, nói dối đi học nhóm. Đứa nào đứa nấy đen cháy vì dang nắng. Một đứa bị mẹ đánh một trận ra trò. Đau từ đòn roi của mẹ đã đành, đau hơn nữa là sự xấu hổ tận cùng khi thấy bên ngoài cổng nhà mình có hẳn mấy đứa bạn đồng trang lứa đu cửa tò mò dòm vô. 

Đứa còn lại đi về, cũng nói dối, bị ông bố phát hiện. Bố cười cười nhìn con gái kiểu biết tỏng: “Ồ, đi học nhóm mà bố ngửi thấy mùi biển trên tay luôn đây này”. Rồi bố buồn buồn, lo lắng: “Bố không muốn có lần thứ hai nhé. Có nhiều đứa nhỏ bị cuốn trôi ra biển vì đi chơi mà không biết bơi, bố mẹ không hay biết gì”. Con bé xin lỗi bố, không bao giờ dám qua mặt bố vì luôn nghĩ bố “biết tỏng” mọi việc, và cũng vì nó không muốn thấy mặt bố đầy âu lo vì mình.

Với cô bạn đầu tiên, bạn vẫn hiểu mẹ yêu thương mình nhất (mẹ là mẹ đơn thân nên rất dễ nổi nóng, dễ bị âu lo quá sức với con mình) nhưng giữa hai mẹ con, sau những trận roi dần có một bức tường ngăn. Tới khi làm mẹ - cũng là một người mẹ đơn thân - bạn mới hiểu để thương và gần gũi lại với mẹ.

 Cô bạn thứ hai, bố bạn luôn là người bạn thân vui tính để con gái sẻ chia mọi điều lớn, bé. Khi ngồi lại cùng nhau để kể chuyện cũ, cũng là khi chúng tôi đã làm bố làm mẹ những đứa nhỏ, cả đám cùng nhận ra rằng, thực ra đứa trẻ ăn đòn nhiều chưa chắc đã ngoan hơn không bị ăn đòn. Có rất nhiều điều có sức mạnh hơn đòn roi.    

Chúng tôi đã đi qua những thế hệ tuổi thơ 8X, 9X… để thay đổi suy nghĩ, để những đứa trẻ trong gia đình lớn lên không phải nhìn thấy cây roi trên tường hay luôn nhớ có cây roi trên nóc tủ như bố mẹ chúng thời ấu thơ khi xưa. Việc dùng roi dạy con, suy cho cùng là sự lựa chọn sai của bố mẹ (đánh con đau khóc, lòng mẹ cũng chẳng yên nổi vì xót con). Làm bạn cùng con, nghiêm khắc uốn nắn bằng lời nói, xử phạt đúng đắn (có không ít cách để phạt con tùy theo từng độ tuổi mà không cần sử dụng đòn roi) mới là cách giúp con sửa sai hiệu quả hơn nhờ cây roi vô tri uốn nắn con mình.

Tin cùng chuyên mục