Không cho phép tố cáo qua thư điện tử là một sai lầm?
Dự thảo luật quy định 2 hình thức tố cáo là tố cáo trực tiếp và qua đơn tố cáo. Nhiều ĐB tán thành quy định nhưng này nhưng cũng nhiều ĐB cho rằng, cần mở rộng hình thức tố cáo. ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) thống nhất 2 hình thức tố cáo trong dự thảo là tố cáo trực tiếp và qua đơn tố cáo để đề cao trách nhiệm người tố cáo. Tuy nhiên, ĐB cũng đề nghị nên xem xét thêm các hình thức tố cáo qua mail, điện thoại.. để tạo thuận lợi cho người tố cáo. ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cũng cho rằng, chỉ nên có 2 hình thức tố cáo như dự thảo luật quy định để bảo đảm tính pháp lý trong tố cáo.
ĐB Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) cho rằng, nếu chỉ chấp nhận 2 hình thức tố cáo trực tiếp và có đơn là quá lạc hậu so với thời cuộc, nhất là trong thời đại công nghệ hiện nay. Đó là chưa kể, luật phòng chống tham nhũng cũng đã cho phép tố cáo qua mail, điện thoại...có ghi danh. Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể cho rằng, nếu luật thông qua mà không cho phép tố cáo qua thư điện tử là một sai lầm. “Đó là một hình thức để người tố cáo tự bảo vệ mình, tránh được trả thù. Những nước xây dựng Chính phủ điện tử thì người ta tố cáo bằng gì, chính là bằng thư điện tử. Trong thời đại này thì tố cáo qua thư điện tử là văn minh nhất”, ông Thể nói.
Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu cũng cho rằng nên cho tố cáo qua điện thoại, thư điện tử, vì xác minh cũng rất dễ dàng “nếu gọi lại mà họ không bắt máy tức là không đáng tin, còn qua mail thì xác minh cũng rất dễ dàng”.
ĐB nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, hình thức nào không quan trọng, vấn đề là phải chính danh. “Anh có thể tố cáo qua điện thoại, tin nhắn, mail.. nhưng phải chính danh. Nếu mà không chính danh, lợi dụng danh người khách để tố cáo thì bị xử phạt nghiêm”, ĐB Anh Trí đề nghị.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) tranh luận cho rằng, với hình thức tố cáo qua tin nhắn, điện thoại, mail nếu có thì rất văn minh. Nhưng thực tế, hiện nay chúng ta không thể quản lý hết các tên miền, khó để xác định được nội dung tố cáo. Luật sư, ĐB Nguyễn Chiến (Hà Nội) cũng tranh luận không đồng ý tố cáo qua mail, điện thoại. ĐB Trần Văn Mão (Nghệ An) cùng quan điểm không đồng ý có hình thức tố cáo qua điện thoại, mail vì có nhiều trường hợp lợi dụng số điện thoại, mail của người khác để tố cáo. Các ĐBQH cũng đề nghị phải có cơ chế đủ mạnh để bảo vệ người tố cáo.
Vấn đề được các ĐBQH tranh luận sôi nổi nhất là có nên chấp nhận tố cáo nặc danh hay không. ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) tán thành dự thảo luật quy định không xem xét đơn tố cáo của người không rõ tên tuổi, địa chỉ, điều này nhằm tránh tình trạng tố cáo sai sự thật tràn lan. ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cũng đồng ý và cho rằng, hiện nay chưa xem xét đơn tố cáo nặc danh mà lượng tố cáo sai sự thật cũng đã quá lớn.
Phân tích thêm, ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho rằng, khi có đơn tố cáo thì phát sinh quan hệ giữa người tố cáo và người giải quyết tố cáo, nhưng nếu chấp nhận tố cáo nặc danh thì mất một chủ thể trong quan hệ này. Vì vậy, không cần luật hóa tố cáo nặc danh, mà có thể có hình thức khác, ví dụ xem nội dung tố cáo nặc danh như một tài liệu để tham khảo. Luật sư, ĐB Nguyễn Chiến (Hà Nội) cũng có quan điểm không chấp nhận tố cáo nặc danh. Vì thực tế tố cáo nặc danh thì lợi dụng để bôi nhọ là chính.
Tuy tán thành không xem xét tố cáo nặc danh nhưng ĐB Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) cho rằng nên có hình thức xử lý đối với những tố cáo nặc danh có nội dung, tên tuổi, địa chỉ, chứng cứ rõ ràng. Ví dụ có thể tiến hành thanh tra đột xuất nếu thấy vụ việc có chứng cứrõ ràng. Theo ĐB Trần Văn Mão (Nghệ An), hiện nay 60% tố cáo là sai. Nếu chấp nhận tố cáo nặc danh thì tỷ lệ tố cáo sai còn nhiều hơn. Thực tế hiện nay, nhiều tố cáo nặc danh thường nhắm để hạ bệ những tổ chức, cá nhân, nhất là vào những thời điểm nhạy cảm như bầu ĐBQH, HĐND, các kỳ đại hội Đảng.. “Vì vậy, đề nghị không luật hóa tố cáo nặc danh, bởi người đứng ra tố cáo tiêu cực cần tự chịu trách nhiệm với tố cáo của mình”, ĐB Trần Văn Mão nói.
Tuy nhiên, ở phía quan điểm ngược lại, cũng có nhiều ĐB cho rằng, cần chấp nhận tố cáo nặc danh có chứng cứ, nội dung rõ ràng. ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) có phát biểu gây chú ý khi cho rằng: sự trả thù người tố cáo rất văn minh, nên dù vô cùng đắng chát nhưng người tố cáo vẫn phải cười. “Trả thù bằng cách gọi người tố cáo lên khen rất dũng cảm, tinh thần đấu tranh rất cao, sau đó.. cho đi học lý luận. Học lý luận xong lại cho xuống cơ sở để học thêm thực tiễn ở những nơi rất khó khăn mà không quan tâm đến. Sau khi để cho quá khó khăn thì lại đưa về và giang tay bố trí cho một công việc nào đó. Sự trả thù đó vô cùng khủng khiếp mà người tố cáo chỉ biết ngậm đắng nuốt cay”, ĐB Bùi Văn Phương nói . ĐB cho rằng, chỉ có người trong cuộc mới biết hậu quả của việc tố cáo mà bị trù dập. “Đó là cách mà nhiều người bất bình với tiêu cực nhưng vẫn phải chọn cách tố cáo nặc danh”, ĐB Bùi Văn Phương chỉ ra.
Vì vậy, theo ĐB Bùi Văn Phương, dù không chấp nhận xem xét giải quyết đơn tố cáo nặc danh nhưng vẫn nên có hình thức để tố cáo nặc danh được tồn tại, nhất là cũng có giá trị cảnh báo với người bị tố cáo.
Vì còn nhiều ý kiến khác nhau, nên một số ĐBQH cho rằng dự thảo luật này nên được Quốc hội xem xét, thông qua ở 3 kỳ họp thay vì 2. Các ĐB cũng cho rằng, ban soạn thảo cần có những báo cáo đánh giá tác động.