Chiều 22-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Nội dung liên quan đến Luật Hoạt động giám sát thu hút nhiều ý kiến đóng góp từ các đại biểu (ĐB) Quốc hội. ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM) nhấn mạnh, Quốc hội giữ hai quyền năng rất lớn: quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và xây dựng pháp luật, đồng thời thực hiện chức năng giám sát tối cao.
ĐB Nguyễn Minh Đức cho rằng, nhiều dự án tồn đọng hiện nay do vướng mắc thể chế, pháp luật, khiến các quy định trở thành rào cản, gây lãng phí nguồn lực. Cử tri và nhiều người hay nói có những nội dung trong nghị định, thông tư của bộ ngành còn “to” hơn cả luật do Quốc hội ban hành, tức là hiệu lực pháp lý của nghị định, thông tư còn cao hơn cả luật. Ví dụ, nghị định thêm vào một vài chi tiết mà luật không nêu, dẫn đến có khi không thực hiện được.
Để giải quyết tình trạng này, ĐB Nguyễn Minh Đức đặt vấn đề cần xem xét lại chức năng giám sát của Quốc hội đối với các quy định pháp luật do chính Quốc hội ban hành và hệ thống văn bản dưới luật như nghị định, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành. ĐB cũng nhấn mạnh, cần nhận diện rõ các văn bản trái pháp luật hoặc gây ra "điểm nghẽn" trong thực thi, từ đó có cơ chế để xử lý hiệu quả.
“Những văn bản tạo ra tắc nghẽn, cản trở dự án, công trình cần được đánh giá xem có trái luật hay không. Đặc biệt, cần làm rõ tình trạng một số nghị định, thông tư được ban hành với nội dung ‘vượt luật’, khiến việc triển khai các dự án trở nên khó khăn,” ĐB Nguyễn Minh Đức nêu ví dụ.
Liên quan đến hoạt động giám sát, ĐB Lê Minh Trí (TPHCM) chỉ rõ, thời gian qua, từ các vụ án đã phát hiện ra những văn bản trái pháp luật, việc phát hiện này là muộn và đã xảy ra hậu quả. Điều này cho thấy ngay từ đầu, đã có khoảng trống là chưa có cơ quan kiểm soát văn bản quy phạm pháp luật ban hành trái pháp luật.
Vì vậy, ĐB Lê Minh Trí đề nghị, tới đây việc này cần giao cho một ngành, cơ quan làm đầu mối kiểm soát việc này. Đồng thời, chủ động hơn, kịp thời hơn nữa trong việc kiểm soát ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nếu phát hiện sớm việc ban hành không đúng thì sẽ không gây ra hậu quả.
Cùng góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, ĐB Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh, nội dung phải xác định được, chỉ ra các đặc điểm nhận dạng văn bản trái pháp luật. Đồng thời sửa đổi, bổ sung theo hướng giao Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan chức năng của Quốc hội chủ động thực hiện việc giám sát chất lượng văn bản dưới luật.
Thông qua hoạt động giám sát nhằm nắm rõ về phát triển kinh tế xã hội của đất nước, của các địa phương. Đây là mục đích trong các cuộc giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. ĐB Hà Phước Thắng thống nhất với đề nghị không bổ sung quy định Quốc hội yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh và cũng không quy định Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan ban hành văn bản hướng dẫn luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Liên quan đến trách nhiệm của Đoàn ĐB Quốc hội, ĐB Hà Phước Thắng cho rằng, khi nhận được đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân thì Đoàn ĐB Quốc hội sẽ tổ chức nghiên cứu, phân loại đơn, lưu đơn, hoàn đơn, có văn bản hướng dẫn công dân hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định.
Về trách nhiệm của ĐB Quốc hội khi tiếp nhận đơn thư, ĐB Hà Phước Thắng đề nghị khi nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị thì đại biểu Quốc hội nghiên cứu, có thể chuyển trực tiếp cho các cá nhân, đơn vị có thẩm quyền giải quyết hoặc giao cho Đoàn đại biểu Quốc hội chuyển cho các đơn vị có thẩm quyền.