Việc trường ĐH tư thục được đào tạo giáo viên là chưa hề có tiền lệ đối với ngành sư phạm. Tiếp đó, Bộ GD-ĐT lại công bố dự thảo Điều lệ trường cao đẳng (CĐ) và trung cấp (TC) sư phạm, với điểm mới là phân thành 2 loại trường công lập và tư thục. Như vậy, ngành sư phạm sẽ được xã hội hóa mạnh mẽ, trong khi thực tế đang thừa hàng ngàn giáo viên bị cho thôi việc… Liệu điều đó có hợp lý?
Nhìn một cách tổng thể, dự thảo Điều lệ trường CĐ sư phạm và TC sư phạm (gọi tắt là dự thảo) chỉ có một vài điểm mới. Nội dung phần lớn lấy từ các quy định trong Luật Giáo dục nghề nghiệp và có một số phần thêm bớt, chỉnh sửa từ các thông tư, quy định khác. Theo dự thảo, tại Điều 4, trường sư phạm được phân thành 2 loại hình: trường sư phạm công lập, trường sư phạm tư thục. Cơ quan chủ quản của trường sư phạm bao gồm các bộ, ngành trung ương và UBND các tỉnh, thành phố. Cả 2 loại hình trường này chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ GD-ĐT và quản lý hành chính do các tỉnh, thành phố nơi các trường đặt cơ sở.
Đối với trường CĐ sư phạm tư thục, Bộ GD-ĐT ra quyết định công nhận hiệu trưởng và cả hội đồng quản trị cùng các thành viên. Đối với trường TC sư phạm tư thục thì UBND cấp tỉnh ra quyết định công nhận. Trong khi đó, hiệu trưởng các trường sư phạm công lập do UBND cấp tỉnh ra quyết định công nhận.
Điều đáng nói là ở khâu tuyển sinh, tổ chức đào tạo, cấp văn bằng, phần lớn dự thảo đều nêu “căn cứ vào các quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp”. Việc cấp bằng cũng theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Trong khi đó, Bộ GD-ĐT lại thẩm định mở ngành, chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra.
Nhiều trường cho rằng dự thảo này khá nhùng nhằng giữa các quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và các quy định của Bộ GD-ĐT. Nếu quy định không rõ ràng thì sẽ không trường nào thành lập mang tên trường sư phạm, mà chỉ mở thêm các ngành sư phạm. Thực tế cho thấy, nếu chỉ mình Bộ GD-ĐT quản lý trường sư phạm thì việc mở ngành, xác định chỉ tiêu chỉ làm một lần và một cấp quản lý. Đằng này, với quy định như dự thảo thì các trường sư phạm lại phải vượt qua 2 cửa ải, gồm Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTB-XH) và Bộ GD-ĐT. Như vậy, các trường muốn tuyển sinh, đào tạo đều phải xin - cho đến 2 bộ quản lý.
Phải tính đến hiệu quả và chất lượng
Thời gian góp ý được Bộ GD-ĐT kéo dài đến ngày 30-10-2018, nhưng đến nay đã có rất nhiều quan điểm băn khoăn về chủ trương xã hội hóa ngành sư phạm của bộ này.
Trao đổi về chủ trương trên trong dự thảo, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), cho rằng: Chắc chắn sẽ có nhiều ngành đào tạo truyền thống ở lĩnh vực công lập trước đây thì nay các trường tư thục sẽ cùng tham gia đào tạo. Đây là tín hiệu tốt để huy động nguồn lực xã hội cho phát triển đội ngũ giáo viên và tạo ra sự cạnh tranh vì chất lượng và hiệu quả. Dù là công hay tư, Nhà nước phải tạo ra sân chơi bình đẳng trong tuyển sinh, đào tạo và tuyển dụng trên cơ sở thiết lập các chuẩn đào tạo.
Mặt khác, Nhà nước phải có quy hoạch để việc đào tạo không bị lãng phí và có cơ chế tài chính phù hợp. Những giáo sinh tốt nghiệp có thể làm việc ở trường công hay trường tư, hoặc ở thị phần nào đó trong thị trường lao động một cách bình đẳng. Việc kiểm soát chất lượng đào tạo nhấn mạnh đầu ra và Nhà nước cần tổ chức thanh tra chất lượng đầu ra bởi các nhà chuyên môn, hơn là kiểm định chất lượng đào tạo - vẫn mang nặng tính hình thức, hiệu quả không cao.
Còn theo PGS-TS Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn: “Chủ trương xã hội hóa là rất phù hợp. Vấn đề là chúng ta làm như thế nào và phải tính đến hiệu quả. Nếu đẩy các ngành sư phạm qua khối tư thục, tôi e như con dao 2 lưỡi. Các trường làm có tâm thì sẽ có giáo viên chất lượng. Nhưng ngược lại, nếu các trường chỉ chạy theo lợi nhuận, buông chất lượng thì sẽ là thiệt hại khó lường”.
Hiệu trưởng một trường TC tư thục tại TPHCM cho rằng: Đọc dự thảo của Bộ GD-ĐT thấy các quy định còn “đá chéo” giữa 2 bộ quá nhiều. Với những quy định trong dự thảo, nếu có trường nào thành lập thì việc thẩm định mở ngành cho đến đào tạo sẽ rất nhùng nhằng. Chỉ cần một bộ “làm khó” thôi là đảm bảo các trường rất “mệt mỏi”. |
Lý giải cho ý kiến của mình, ông Dũng dẫn chứng: “Một phần vì chất lượng đào tạo ở hệ CĐ và TC và một phần là thực tế hiện nay, chuẩn giáo viên các cấp bây giờ phải là ĐH. Ngày xưa do không đủ giáo viên nên mở ra TC sư phạm 12+1, 9+3 để cho ra lò nhanh, đáp ứng thị trường lao động. Còn bây giờ cung vượt cầu rồi. Do đó, nên khép lại sứ mạng lịch sử của các trường này vì đã qua thời kỳ khác”.
Hiệu trưởng một trường CĐ tại TPHCM băn khoăn: Với tình hình hiện nay sẽ rất khó nhà đầu tư nào mở trường CĐ sư phạm hay TC sư phạm. Thứ nhất là nhiều trường sư phạm lớn hiện nay của cả nước đều phát triển thành trường đa ngành. Thứ hai là chỉ tiêu, đầu ra cho sinh viên sư phạm quá mịt mờ. Do đó, nên chăng khuyến khích các trường CĐ tư thục bên lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh ngành sư phạm. Không nhà đầu tư nào đi mở trường sư phạm trong bối cảnh ngành sư phạm đang dư thừa.