Theo Chủ tịch Quốc hội, ĐB đề nghị bỏ quy định này để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất. Cơ quan soạn thảo có giải thích là quy định như thế để đảm bảo công bằng trong sử dụng tài nguyên nước, nhưng chúng ta đang miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, thì thu khoản này có mâu thuẫn không? Bên cạnh đó là việc khắc phục hậu quả ô nhiễm lưu vực sông, đặc biệt là huy động nguồn lực xã hội hóa cho công tác này - một vấn đề đang ngày càng cấp bách…
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh |
Tham gia ý kiến tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh bày tỏ quan tâm đến hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước. Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, điều tra cơ bản tài nguyên nước là nội dung quan trọng của luật, tương tự như chế định điều tra cơ bản về dầu khí trong Luật Dầu khí.
“So với dự thảo trước, đến nay, dự thảo đã được bổ sung nhiều nội dung về điều tra cơ bản tài nguyên nước, tuy nhiên vẫn thiếu quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong thực hiện điều tra cơ bản về tài nguyên nước”, bà Nguyễn Thị Thanh nhận xét. Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị tham khảo thêm Luật Dầu khí để quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước vào dự thảo.
Hồi đáp kiến nghị bỏ thu tiền cấp nước khai thác tài nguyên đối với hoạt động khai thác nước mặt cho nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh cho biết, việc triển khai thực hiện thu thủy lợi phí cần theo lộ trình, để tạo điều kiện cho bà con nông dân, có thể xem xét tính toán kỹ quy mô.
Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh |
“Trong tương lai có nhiều doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tích tụ ruộng đất, sử dụng nhiều hệ thống trữ nước, khai thác nước, trong đó, nhiều doanh nghiệp kinh doanh tốt, sử dụng nguồn nước rất lớn. Bộ TN-MT sẽ rà soát lại, tránh sự hiểu nhầm là thu phí cả của người dân sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, không đúng với chính sách ưu đãi về phí, lệ phí, thuế…”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh phát biểu.
Cũng về vấn đề nước sử dụng cho sản xuất nông nghiệp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn. “Các công ty khai thác công trình thủy lợi cần tái sản xuất, cần vốn để hoạt động. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các công trình thủy lợi của ta xuống cấp vì không có thu để tái sản xuất, nâng cấp kênh mương… Do vậy, trong chừng mực chính sách thủy lợi, cần nghiên cứu để khu vực kinh tế nông nghiệp có đóng góp trở lại, nhằm nâng cao trách nhiệm của những người sử dụng nước”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhìn nhận.
Khuyến khích nghiên cứu giải pháp và thực hiện bổ sung nhân tạo nước dưới đất
Báo cáo tại phiên họp của UBTVQH chiều 14-11, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các quy định mang tính kỹ thuật như: bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy tại điều 25; phòng, chống ô nhiễm nước biển tại điều 33; khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt tại điều 43; thu gom, xử lý nước đã qua sử dụng trong sản xuất công nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản…
Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã được rà soát, bổ sung, chỉnh lý quy định về ưu tiên đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước, có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước cho sinh hoạt, sản xuất cho người dân các vùng khan hiếm nước; khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu giải pháp và thực hiện việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất, đồng thời giao Bộ trưởng Bộ TN-MT quy định cụ thể việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất.