Ngày 1-3, tại Hà Nội, ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã chủ trì Hội thảo lấy ý kiến góp ý về dự án Luật Kiến trúc.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH, nhiều nội dung của dự thảo Luật Kiến trúc đã được chỉnh lý. Bản dự thảo hiện nay gồm 4 chương, 43 điều, tăng 6 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Dự thảo Luật đã bổ sung một số điều quy định về bản sắc văn hóa dân tộc trong hoạt động kiến trúc; chính sách của Nhà nước; tổ chức xã hội nghề nghiệp; hợp tác quốc tế…
Các ý kiến tại Hội thảo bày tỏ đánh giá cao việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kiến trúc, nhất là việc đã quy định cụ thể, rành mạch hơn về thủ tục đăng ký hành nghề, cách thức duy trì hành nghề và năng lực hành nghề kiến trúc sư. Nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục hoàn thiện quy định về giải thích đối với khái niệm kiến trúc, kiến trúc sư, công trình kiến trúc, quy chế quản lý kiến trúc… để bảo đảm phù hợp với thông lệ thế giới, tránh gây lúng túng khi thực hiện các dự án hợp tác quốc tế.
Đáng lưu ý, một số ý kiến khuyến nghị việc nghiên cứu, bổ sung quy định ngăn ngừa việc can thiệp sâu, mang tính áp đặt của chủ đầu tư vào bản thiết kế công trình - vốn được coi là một nguyên nhân khiến không gian kiến trúc ở một số địa bàn lộn xộn, mất thẩm mỹ; thi công không đúng với thiết kế, ảnh hưởng đến chất lượng công trình xây dựng…
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị, cân nhắc kỹ quy định tại Điều 20, dự thảo Luật về thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc với công trình công cộng có quy mô cấp I, một số công trình trong đô thị từ cấp II trở lên, tượng đài, công trình kiến trúc là biểu tượng của địa phương.
Loại ý kiến này lập luận, công tác này chỉ thực hiện trong khâu xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án, chưa chắc chắn sẽ được triển khai, trong khi các tổ chức, đơn vị đều phải mất khoản chi phí nhất định để tiến hành, có thể dẫn đến lãng phí không cần thiết.