Bạn đọc T.H, 45 tuổi, Nam, Bình Thuận: Tôi thường xuyên bị chóng mặt, mất ngủ, 1 năm bị 2-3 đợt nặng. Bác sĩ có cho thử máu, kết quả không bị thiếu máu. Đợt gần nhất tôi đã điều trị và uống thuốc rối loạn tiền đình 2 tháng nhưng chỉ giảm được 7/10 phần (Tanganil, Cinnarizine và thuốc an thần). Uống thuốc vào tôi ngủ rất ngon nhưng ngưng thuốc là lại mất ngủ và chóng mặt lại. Tôi muốn hỏi thuốc rối loạn tiền đình, kèm thuốc ổn định giấc ngủ có uống lâu dài được không? Tôi phải làm gì để cải thiện tình trạng này.
BS Đặng Khắc Giáp - Bác sĩ Nội Thần kinh - Khoa Nội Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn:
Rối loạn tiền đình là gì?
Rối loạn tiền đình là một hội chứng do những tổn thương tại hệ thống tiền đình gây ra. Dấu hiệu của hội chứng rối loạn tiền đình có thể kể đến: chóng mặt, buồn nôn, dễ mất thăng bằng…
Điều trị rối loạn tiền đình:
Để điều trị rối loạn tiền đình, phương pháp nội khoa điều trị bằng thuốc (thuốc uống hoặc thuốc tiêm) là phương pháp chủ yếu được bác sĩ chuyên khoa lựa chọn. Ngoài ra, còn kèm theo các nghiệm pháp tái định vị sỏi ống tiền đình hay các bài tập thăng bằng.
Trường hợp anh T.H sau khi ngưng thuốc thì xuất hiện lại tình trạng mất ngủ chóng mặt, anh nên thông báo rõ đến bác sĩ điều trị của mình về tình trạng đang diễn ra. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra những thay đổi phù hợp để việc điều trị được hiệu quả hơn, liệu đây là rối loạn tiền đình thật sự, hay là choáng váng liên quan đến vấn đề tâm lý và giấc ngủ.
Hiện tại, anh đang sử dụng 3 loại thuốc: Tanganil, Cinnarizine và thuốc an thần để điều trị rối loạn tiền đình. Anh nên sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Các loại thuốc nêu trên đều có tác dụng phụ, nếu tự ý sử dụng lâu dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, cụ thể:
- Tanganil (Acetylleucin): Là thuốc làm giảm triệu chứng của rối loạn tiền đình như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn… Sử dụng Tanganil có thể gây ra các tác dụng phụ như: Dị ứng da, phản ứng gan thận (đối với người suy gan, suy thận nặng)... Tanganil cũng nên tránh sử dụng đối với phụ nữ có thai và cho con bú.
- Cinnarizine (nhóm thuốc kháng Histamin H1): Là thuốc được chỉ định cho người bệnh rối loạn tiền đình có triệu chứng như hoa mắt, choáng, ù tai, giật nhãn cầu, nôn… Tác dụng phụ của thuốc Cinnarizine gồm: gây buồn ngủ, rối loạn tiêu hóa, co cứng, rối loạn vận động, khô miệng, tăng cân, tăng tiết mồ hôi…
- Thuốc an thần: Được sử dụng để điều hòa thần kinh, giảm căng thẳng, mệt mỏi và giúp người sử dụng dễ đi vào giấc ngủ hơn. Thuốc an thần có thể gây ra các tác dụng phụ như: lệ thuộc thuốc, suy giảm trí nhớ, khó tập trung, phản ứng chậm, tăng cân, giảm ham muốn tình dục…
Để giảm tình trạng chóng mặt mất ngủ do rối loạn tiền đình, anh T.H và những người bị rối loạn tiền đình có thể áp dụng một số phương pháp sau để hỗ trợ cải thiện tình trạng:
- Giảm căng thẳng trong công việc và cuộc sống;
- Phòng ngủ thoáng mát, yên tĩnh, tránh bật đèn sáng quá mức;
- Ngủ đủ giấc, ít nhất 6 tiếng/ngày;
- Hạn chế đến những không gian ồn ào;
- Tập thể dục vừa phải, cải thiện sức khỏe tổng thể.
Bạn đọc có nhu cầu tư vấn về sức khỏe, cách phòng chống bệnh, đừng ngại gửi câu hỏi về Hộp thư tư vấn Alo Bác sĩ.