
Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp đề xuất nên mở rộng chính sách ưu đãi visa (thị thực nhập cảnh), trong đó ưu tiên cho các tỷ phú, người nổi tiếng thế giới như diễn viên, vận động viên…
Chìa khóa đón "khách xịn"
Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group đánh giá, việc mở cửa visa cho khách quốc tế góp phần tăng cơ hội “xuất khẩu tại chỗ”, góp phần tăng trưởng và phục hồi du lịch Việt Nam. Theo đó, nên chọn lọc khi mở rộng visa thông thoáng, tập trung vào các thị trường nguồn như Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, khu vực Trung Đông…

Các chuyên gia du lịch dẫn chứng, trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan đã mở rộng số quốc gia được miễn thị thực từ 57 lên 93 quốc gia; nâng số quốc gia được áp dụng cấp thị thực ngay tại cửa khẩu từ 19 lên 31 quốc gia... Trong đó, có 64 quốc gia là thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm. Malaysia cũng miễn visa cho 158 quốc gia. Thêm nữa, các quốc gia này còn đẩy mạnh triển khai các loại thị thực mới, trong khi đó, Việt Nam mới áp dụng miễn visa cho 29 quốc gia.
Đối với các chuyên gia công nghệ cao, giới tỷ phú, nên có chính sách visa dài hạn từ 5-10 năm; hoặc visa nhân tài cho người thu nhập cao từ 80.000 USD trở lên…
Chủ tịch HÐQT Vietravel Corporation Nguyễn Quốc Kỳ dẫn chứng, doanh thu du lịch Việt Nam đóng góp khoảng 36 tỷ USD vào GDP, tương đương 12% - 14% tổng GDP quốc gia, thông qua việc tối ưu hóa chi tiêu của du khách. Du lịch là ngành có tỷ trọng đóng góp kinh tế của khu vực kinh tế tư nhân lớn nhất, với trên 90%.

Việt Nam có điểm mạnh là áp dụng evisa (thị thực điện tử) tới 80 quốc gia, nhiều hơn các nước. Thời gian lưu trú cho các thị trường miễn visa từ 30 - 45 ngày, không phải ở mức thấp so với mức trung bình từ 30 - 90 ngày của các nước. Giá visa nhập cảnh vào Việt nam cũng thấp hơn các nước, khoảng 25 USD, trong khi để xin visa vào các nước phải tốn 30 - 60 USD.
“Tuy nhiên, nếu so về số lượng các nước được miễn visa và thời gian làm thủ tục thì Việt Nam vẫn còn yếu. Nếu Chính phủ coi du lịch thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn thì visa phải là chìa khóa đầu tiên cần mở để đón khách vào”, ông Nguyễn Quốc Kỳ nhận định.
Cấp visa “vàng” cho khách giàu, người nổi tiếng
Bà Nguyễn Thu Thủy, Giám đốc Marketing Vinpearl (thuộc Tập đoàn Vingroup) kiến nghị, ưu tiên miễn visa cho các thị trường chiến lược, chi tiêu cao, thời gian lưu trú dài và hành vi du lịch đang thay đổi nhanh chóng như Úc, New Zealand.

Tiếp đến là nhóm thị trường yêu thiên nhiên, văn hóa bản địa, có xu hướng đi nghỉ dài ngày và không ngại chi trả cho các trải nghiệm cao cấp như các quốc gia Bắc Âu (Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và Đan Mạch)… Việt Nam với hệ sinh thái nghỉ dưỡng biển đảo phong phú hoàn toàn có thể cạnh tranh nếu chính sách visa đủ linh hoạt.
Bàn về giải pháp phát triển du lịch, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, cục đang có đề xuất miễn thị thực đến các thị trường tiềm năng như Đông Bắc Á, ASEAN, khu vực Trung Đông... Đồng thời, cũng đề xuất chính sách miễn visa cho các nhóm vận động viên đạt huy chương quốc tế, diễn viên nổi tiếng, đạo diễn phim, cầu thủ bóng đá, nhà báo nổi tiếng…

“Hiện tại, cục cũng đề xuất lồng ghép Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp, Lào để xúc tiến Du lịch Việt Nam; đồng thời tận dụng vai trò của các đại sứ du lịch làm cầu nối nghiên cứu thị trường, cộng hưởng truyền thông, giới thiệu về đất nước, con người, du lịch trong nước”, ông Nguyễn Trùng Khánh nói.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM góp ý, cần đồng bộ các giải pháp, nâng chất lượng sản phẩm, tập trung miễn thị thực cho các thị trường chi tiêu cao, nhóm đối tượng du lịch MICE (hội thảo kết hợp du lịch), du lịch y tế; có visa “vàng” cho các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân, với thời gian miễn từ 3-5 năm để họ nhập cảnh nhiều lần, có thời gian cống hiến lâu dài tại Việt Nam.
“Thực tế, hạ tầng chúng ta còn hạn chế, việc đón khách cao cấp giúp giảm áp lực hạ tầng, gia tăng định vị điểm đến sang trọng, độc đáo, thay vì là điểm đến giá rẻ. Chính sách visa chỉ là điều kiện cần, còn yếu tố chính là phải nâng cao chất lượng dịch vụ, làm mới điểm đến, có thêm những sản phẩm chất lượng, hấp dẫn hơn, qua đó mở rộng nhiều thị trường hơn”, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu góp ý.