Tuy nhiên, đón đầu xu thế già hóa dân số nhanh ở Việt Nam và nhu cầu cần gửi cha mẹ già vào trại dưỡng lão, dịch vụ này sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.
Khi người già chưa muốn...
Bước vào tuổi 85, bà Hai Thanh có triệu chứng suy giảm trí nhớ, lúc nhớ lúc quên và luôn cần người chăm sóc, túc trực bên cạnh. Tuy có đến 6 người con đã thành đạt, yên bề gia thất nhưng việc chăm sóc mẹ già cũng trở thành gánh nặng chung, thậm chí khó xử. Vì ai cũng bận bịu công việc làm ăn, có gia đình riêng, lại thêm ở cách xa nhau nên việc phân công chăm sóc mẹ già cũng nan giải. Thậm chí, anh chị em mỗi người mỗi ý dẫn đến bất đồng quan điểm, chưa kể tỵ nạnh nhau trong việc chăm sóc mẹ già.
Vì thế, có người con đưa ra ý kiến nên gửi mẹ vào trại dưỡng lão sẽ tiện lợi hơn, việc kinh phí đóng góp sẽ chia đều cho 6 người con. Sau khi bàn tính kỹ và đi tham khảo viện dưỡng lão ở Bình Mỹ (huyện Củ Chi, TPHCM), con cái bà Hai Thanh quyết định đưa mẹ vào đây chăm sóc. Thế nhưng được vài tháng, đi thăm bà, chứng kiến nét mặt ủ rũ, buồn bã của bà, các con, các cháu lại quyết định đưa bà về nhà. Đơn giản là mọi người đều thấy áy náy, cảm giác có lỗi. Theo chia sẻ của một con gái của bà, từ hôm đưa bà về nhà và thuê một người chăm sóc riêng thì thấy nét mặt bà vui hơn. Chẳng biết bà sống được bao lâu nữa nhưng ai cũng cảm thấy nhẹ lòng hơn là đưa bà vào trại dưỡng lão khi bà không thể quen.
Mẹ chị Hoàng (ở quận Tân Bình, TPHCM) năm nay bước vào tuổi trên 80, sức khỏe suy giảm sau hai lần bị tai biến nhẹ. Bà chỉ có thể đi lại trong nhà với chiếc gậy ba chân hỗ trợ. Hơn nữa, việc thuê người chăm sóc cũng tốn kém cả chục triệu đồng/tháng mà không yên tâm. Vì thế, hai người con của bà bàn thảo phương án đưa mẹ vào trại dưỡng lão cho tiện chăm sóc, đảm bảo sức khỏe. Thế nhưng, nghe con cái nói thế cụ phản ứng, gào thét đòi chết, không chịu đi đâu hết, khiến kế hoạch này phải hủy. Theo chị Hoàng, có lẽ đến thế hệ 6X, 7X và lớp trẻ sau này mới chọn lựa và thích nghi với việc vào trại dưỡng lão sống để đảm bảo có một đời sống thanh thản, vui vẻ, không làm vướng bận con cháu.
Gần 80% hài lòng với môi trường mới
Thực tế cho thấy, xung quanh chủ đề “Có nên đưa cha mẹ già vào trại dưỡng lão hay không?” vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí không ít người cho rằng, chọn lựa này là bất hiếu, là đi ngược lại với truyền thống bảo bọc, yêu thương của gia đình Việt Nam. Nhưng theo các chuyên gia xã hội, tâm lý học, quan niệm này cần phải thay đổi và nên nhìn nhận nó một cách khoa học, nhân văn hơn.
Phân tích thực tế và xu thế lão hóa dân số ở Việt Nam với tốc độ nhanh, cuộc sống hiện đại có nhiều áp lực, thiếu thời gian..., một số chuyên gia xã hội cho rằng, việc bỏ tiền đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão để họ hưởng một dịch vụ tốt, có điều kiện chăm sóc sức khỏe, khác với chối bỏ trách nhiệm. Chữ hiếu thời nay cần được hiểu đúng ý nghĩa nhân văn và xã hội cần “nghĩ thoáng” hơn về vấn đề này. Nếu người già được chăm sóc, được quan tâm để sống vui, sống khỏe và có ý nghĩa ở những ngày gần đất xa trời thì nên ủng hộ. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến và tuân theo quyết định của các cụ, chứ không nên ép buộc.
Do vẫn giữ nếp nghĩ cũ “trẻ cậy cha, già cậy con” và chưa chuẩn bị tâm lý sống trong trại dưỡng lão, nhiều người già lúc ban đầu hay phản ứng ý tưởng của con cái, thậm chí quy kết con tội bất hiếu. Thế nhưng, khi được đi tham quan trước và sau đó vào sống thử ít tháng, ở ngôi nhà mới, nhiều cụ lại thấy thích, hài lòng hơn so với ở nhà một mình. Bởi lẽ, nơi đây có nhiều người già bầu bạn, tâm giao, được vui thú điền viên, chăm sóc cây cảnh, chim thú, có không gian thoáng mát để bách bộ...
Điển hình như bà Lan ở trung tâm TPHCM. Sau khi nghỉ hưu về sống chung với con cái, vừa thấy phiền phức, vừa cảm giác mình là gánh nặng nên bà quyết định vào trại dưỡng lão ở huyện Củ Chi sống thử. Vào rồi, bà thấy thích vì chất lượng phục vụ chu đáo, có người tâm sự, trò chuyện. Cuối tuần con cái vào thăm hoặc đón bà về nhà chơi nên bà cảm thấy ấm áp, hài lòng. Tương tự, anh Tuấn (ở Hà Nội) cũng thuật lại câu chuyện về bác ruột mình đang sống yên vui trong một trại dưỡng lão ở vùng ven Thủ đô. Vợ mất từ khi nghỉ hưu cách đây chục năm nên bác của anh Tuấn sống một mình dù con cái kêu bán nhà về ở chung. Sau nhiều năm sống cô đơn, thậm chí có lúc rơi vào trầm cảm, buồn chán, ông quyết định bán nhà và dùng số tiền này tự lo cho mình trong trại dưỡng lão cao cấp, với chi phí gần 20 triệu đồng/tháng. Được ở phòng riêng với đầy đủ tiện nghi, được chăm sóc sức khỏe tốt, được bầu bạn với các cụ cùng hoàn cảnh nên ông rất hài lòng, tinh thần vui vẻ, lạc quan.
Cuộc sống hiện đại thời kỹ thuật số đang tạo ra nhiều áp lực và con người không còn nhiều thời gian dành cho gia đình, chăm sóc ông bà, cha mẹ. Vì thế, nhiều người già đã và đang phải chịu cảnh buồn chán, trầm cảm vì sống lủi thủi, cô đơn một mình ở nhà. Không ít trường hợp gặp rủi ro, bị ngã bệnh, trượt té và bị tai biến nặng nhưng con cái không kịp có mặt để chăm sóc.
Rất cần thay đổi nếp nghĩ, quan niệm về chữ hiếu để giúp người già sống vui, sống khỏe và hạnh phúc ở giai đoạn cuối đời n là câu hỏi đầy trăn trở của con cái trước quan.
Kết quả cuộc khảo sát nhỏ về chất lượng cuộc sống người cao tuổi của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM gần đây cho thấy: “84,8% người được hỏi hiện đang sinh sống tại các viện dưỡng lão tư nhân hài lòng với những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại đây. Có đến gần 80% các cụ cảm thấy hài lòng vì họ được quan tâm và chia sẻ từ các cán bộ, điều dưỡng và từ bạn già cùng sinh sống tại đây”. Thực tế này cho thấy nhu cầu mở rộng dịch vụ chăm sóc, tiếp nhận người già ở các viện dưỡng lão tư nhân là cần thiết. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích để phát triển dịch vụ này theo hướng đa dạng, chuyên nghiệp hóa, giá cả phù hợp.