Mỹ Dung đã có 10 năm làm về mảng Giáo dục trẻ khuyết tật tại Việt Nam. Đó là cơ duyên và là tâm huyết của cô. Mỹ Dung kể: “Tôi từng tham gia hoạt động tình nguyện ở Mái ấm Thiên Ân, TPHCM. Tiếp xúc với các em khiếm thị giúp tôi dần bỏ được định kiến về tiềm năng của người khuyết tật. Khi nhận học bổng sang Anh học thạc sĩ chuyên ngành Giáo dục đặc biệt tại Đại học Manchester UK, tôi càng thấy lựa chọn của mình là đúng. Ở Anh, tôi được tiếp cận với cách nhìn tích cực về trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt, cách gọi dành cho trẻ khuyết tật. Tôi hiểu hơn về tâm lý trẻ có nhu cầu đặc biệt, về tầm quan trọng của can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập. Đây là nền tảng quan trọng giúp tôi khi về lại công tác ở Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm TPHCM có thể nghiên cứu sâu hơn về phương pháp đánh giá và giáo dục trẻ tự kỷ”.
Khi tìm hiểu các phương pháp của nền giáo dục tiên tiến, các bằng chứng về tính hiệu quả của phương pháp, cô Mỹ Dung vô cùng phấn khởi. Cô mang tất cả tài liệu và kiến thức có được chia sẻ với đồng nghiệp và sinh viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Cô cũng kết hợp với trường mầm non thiết lập phòng can thiệp sớm theo mô hình học từ Anh. Làm thế nào quan sát sâu các em bé mới 18 tháng tuổi, nhất là với những người lần đầu có con? Mỹ Dung chia sẻ: “Phải xem xét nhiều yếu tố, ví dụ bé có tập trung lắng nghe không, cách giao tiếp thế nào...”.
Mỹ Dung cho rằng cô may mắn khi xin việc đúng thời điểm Học viện AcademyEX tại New Zealand đang cần người tham gia chương trình sau đại học về nâng cao năng lực công nghệ thông tin và quản lý giáo dục cho giáo viên. Đến nay, trong số gần 8.000 giáo viên ở New Zealand mà Mỹ Dung từng đào tạo, gồm nhiều giáo viên dạy trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt. Ở Việt Nam hay New Zealand, giáo viên đều có những cách nhìn giống nhau.
“Một trong những vấn đề của trẻ tự kỷ lại có khi xuất phát từ phía phụ huynh: Kỳ vọng con mình được chữa trị hiệu quả, trông đợi con mình có thay đổi rõ ràng... Rồi họ thất vọng và trút nỗi buồn, nỗi tuyệt vọng ấy lên giáo viên khi thấy quá trình tiến bộ của con quá chậm chạp. Vì thế, trong các buổi học và làm việc nhóm của chương trình, giáo viên có dịp trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau cân bằng tâm lý, tìm biện pháp can thiệp hiệu quả cho cả phụ huynh và giáo viên, chứ không chỉ với học sinh. Ở New Zealand, yêu cầu đối với giáo viên là thường xuyên tham gia bồi dưỡng chuyên môn. Những dịp như vậy, giáo viên có thể trao đổi khúc mắc và nâng cao năng lực. Cách làm này rất hay!”, cô Mỹ Dung chia sẻ.
Sau 9 năm làm việc tại Học viện AcademyEX, gần đây Mỹ Dung chuyển sang làm tại Speakia - Công ty Công nghệ giáo dục New Zealand chuyên về giải pháp ứng dụng giúp trẻ 4-11 tuổi luyện nói tiếng Anh.
Với kinh nghiệm của mình, mỗi lần về nước, Mỹ Dung vẫn ghé thăm và trò chuyện cùng đồng nghiệp, sinh viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Theo cô Mỹ Dung, tuy hiện có nhiều bước tiến trong ngành này, nhưng thực tế là giáo dục đặc biệt vẫn gặp khó khăn ở chiến lược lâu dài và ở bước chuyển tiếp.
Cô Mỹ Dung chia sẻ: “Các nước phát triển, đặc biệt ở Bắc Âu, đã dựng được mô hình từ A-Z cho người tự kỷ: Có các bước chuyển liên tục từ nhỏ đến trưởng thành; có mạng lưới giúp các bạn tìm việc phù hợp. Vào trung học, trẻ tự kỷ được học nhiều về kỹ năng sống như cách tự đi xe buýt thế nào, cách gọi điện nhờ giúp... Đấy gọi là kỹ năng độc lập, còn kỹ năng học thuật sẽ được lên kế hoạch tùy vào khả năng của trẻ. Nếu có cơ hội, tôi mong tiếp tục được chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ cho ngành giáo dục đặc biệt ở TPHCM và Việt Nam trong khả năng của mình”.