Sống ở đời, ai mà không có bạn bè đồng nghiệp - những người cùng chia sẻ hạnh phúc hay khốn khó trong đời. Tôi cũng thế, cũng đang sống và làm việc cùng những đồng nghiệp, bạn bè thân thiết, nhưng, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc... "đốt lò hương ấy" cho những người bạn của mình nhà thơ Bảo Định Giang.
Quả thật, tác phẩm Đốt lò hương ấy như cuộn phim chiếu chậm về cuộc đời và sự nghiệp của các văn nghệ sĩ nước ta trong thời kỳ chống thực dân Pháp và chống Mỹ cứu nước. Nói như tác giả: "Trong số họ, có người lớn tuổi hơn tôi, có người trang lứa, có người là đàn em. Trước mắt tôi, có người hiền hòa, có người khó tính nhưng tôi đều yêu mến họ... Tôi không để tâm những điều vụn vặt mình không vừa ý...".
Tác giả Bảo Định Giang đã mượn văn chương để nói lên tấm lòng yêu quí và nhớ tiếc của mình về những người bạn đã khuất. Đọc Đốt lò hương ấy, ta như hình dung được từng gương mặt văn nghệ sĩ thời bấy giờ. Thủ bút, hình ảnh còn lại dù đã mờ phai qua năm tháng thời gian nhưng vẫn cứ dần dần hiện ra, giản dị mà đẹp lạ thường. Khó khăn gian lao ở chiến khu, thiếu ăn, thiếu mặc nhưng không ngăn được lời ca tiếng hát cất lên vang dậy núi sông không ngăn được những vần thơ thúc giục nhân dân cổ động cách mạng.
Thú thật, tôi không phải là người hiểu nhiều về thơ văn, ngoài những kiến thức nhỏ nhoi tiếp thu được khi ngồi trên ghế nhà trường, thế mà khi đọc Đốt lò hương ấy tôi vẫn thấy cuốn hút một cách kỳ lạ. Đọc để thấy Nguyễn Bính phải sáng tác ra sao khi chiến khu đầy muỗi mà thiếu... rượu, đọc mới biết Lên ngàn đã được nhạc sĩ Hoàng Việt sáng tác trong lúc nhân dân vừa hứng chịu trận lũ tang hoang...
Và còn nhiều, nhiều lắm những văn nghệ sĩ khác cũng được tác giả đề cập đến. Đọc mà thấy xót xa, thương tiếc cho những văn nghệ sĩ đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Đôi lúc, tôi vừa đọc vừa miên man suy nghĩ. Giá như họ còn sống, còn được cống hiến cho nền văn học nước nhà, không biết sẽ còn bao nhiêu Dáng đứng Việt Nam (Lê Anh Xuân), Lên ngàn (Hoàng Việt) hay Người mẹ cầm súng (Nguyễn Thi)... ra đời cho hậu thế.