Ngày tết phương Nam bao giờ cũng nhuốm một màu vàng rực rỡ. Đó là màu vàng của nắng, đặc biệt nắng rất nhiều trong dịp tết. Đó là màu vàng miên man khắp phố phường và thôn quê của mai, cúc và vạn thọ. Những ngày giáp tết, xe từ các cửa ngõ nườm nượp chở hoa về phố. Những cành mai đầy nụ rung rinh, những chậu cúc nở bung tia hoa dài ngắn và khiêm nhường hơn là những chậu vạn thọ với các bông hoa tròn tỏa quanh tứ phía, tạo nên hình ảnh viên mãn tròn đầy.
Từ trước cả cúc, vạn thọ cùng với mai là người đưa tin cần mẫn mỗi độ xuân về. Chẳng thế mà vạn thọ đã đi vào ca dao, nhắc nhở người sum họp ngày tết.
Ai ơi dẫu có đi xa
Nhớ gieo vạn thọ mười ba tháng mười
Mười ba tháng mười gieo vạn thọ thì hơn 60 ngày sau hoa sẽ nở rộ đúng ngày xuân. Đó là kinh nghiệm lâu đời của người dân quê quanh năm vất vả, chờ ngày chăm chút luống hoa, gieo gửi niềm hy vọng vào những bông hoa tròn trịa viên mãn, sắc màu sáng rỡ xinh tươi.
Đứng giữa mai sang trọng, cúc kiêu sa, vạn thọ vẫn nổi bật lên với dáng vẻ khiêm cung nhã nhặn và một mùi hương đặc trưng không lẫn đi đâu được. Cái mùi thơm hắc nồng hậu khiến các loài sâu bệnh tránh xa, nhưng lại khiến người thưởng hoa say nghiện, nhất là người đã trải qua những ngày tháng gắn bó với vạn thọ.
So với các loài hoa báo xuân khác, tôi có phần ưu ái vạn thọ hơn cả vì đã đồng hành với gia đình tôi những năm tháng nghèo khó. Ngày đó, tết đến làng quê tôi chỉ toàn hoa vạn thọ. Nhà nào có mai là do chịu khó vào rừng đào những gốc mai già, hoặc mai mọc tự nhiên trong vườn rộng, không có khái niệm mai bon sai chen chúc trong chậu, uốn hình rồng phượng. Cúc tia, cúc đại đóa hay cúc mâm xôi cũng chưa lai vãng tới miền quê nghèo. Chỉ có loài hoa vạn thọ hiền lành, đến hẹn lại lên, nhà nào cũng hai hàng vạn thọ trước sân, hoặc vài chậu vạn thọ chưng trên thềm nhà rồi mới yên tâm đón tết.
Năm đó, chúng tôi ngóng tết trong tâm trạng nôn nao, còn ba mẹ thì bồn chồn lo lắng vì không biết lấy gì để sắm sửa miếng thịt heo, đòn bánh tét và cái áo cái quần cho mấy đứa con. Rằm tháng mười, mẹ bảo ba “làm đất” rồi mấy mẹ con xúm xít gieo hạt vạn thọ. Vạn thọ là “nhu yếu phẩm” ngày tết, kiểu gì cũng có người mua, sẽ có được ít tiền sắm tết. Ba mẹ hớn hở với ý nghĩ đó, trong khi lũ con thích thú với công việc gieo hạt, trong đầu tưởng tượng từng bông hoa nở ra dưới tay mình.
Những mầm cây nhú lên, rồi những chiếc lá mọc dài ra, càng lúc càng nối dài ước mơ của mấy mẹ con. Khi cây ra được 6, 7 cặp lá, và dưới nách lá đã nhu nhú chồi con, thì mẹ bấm đọt cho cây, để cây ra nhiều nụ và những nụ hoa xòe tròn quanh thân cây, mẹ giải thích như vậy khi thấy tôi xót đọt cây vừa mới lên xanh mơn mởn.
Rồi cái ngày mơ ước ấy cũng đến. Mấy luống vạn thọ rộ hoa vàng ươm. Những bông hoa tròn xoe, long lanh giọt sương trong vắt. Từng giọt nước to tròn lăn trên cánh hoa ngái ngủ rồi trôi tuột xuống đất trong sự quan sát thú vị của lũ trẻ chúng tôi. Tôi đứng ngắm nhìn mãi cánh đồng hoa ấy, để mấy mươi năm sau, mỗi lần đi ngang qua những cánh đồng hoa vạn thọ bất cứ nơi đâu, trong lòng cũng cồn lên niềm xao xuyến. Cái màu hoa vạn thọ vàng ươm, những bông hoa xoe tròn và mùi hương hăng hắc, đã trở thành một kỷ niệm được định danh.
Những ngày giáp tết, khi mông lung đi giữa chợ hoa, lại hiện về hình ảnh ba mẹ tôi lom khom cắt hoa trên mảnh vườn nhỏ và ba cọc cạch đạp xe đi, sau lưng là cả một xe vạn thọ, như ba đang chở cả mùa xuân trên đường. Những bàn tay cắt tỉa chăm chút, gương mặt mệt mỏi sau chậu vạn thọ ế ngày 30 và nỗi lo thất bát của người trồng hoa, khác gì đâu nỗi buồn thất thu của ba mẹ sau những hy vọng huy hoàng ngày đó. Màu hoa vàng cứ trôi chảy mãi, đẫm cả nỗi vui rộn ràng ngày tết lẫn những niềm riêng “lo tết”, trở thành vị sứ giả đầy bâng khuâng của mùa xuân đất Việt.
Theo tên khoa học thì vạn thọ thuộc chi họ cúc, gọi là “cúc vạn thọ”. Khoa học thì tất nhiên là chuẩn xác rồi, nhưng lòng tôi không ưng ý với tên gọi đó. Với tôi vạn thọ là vạn thọ, không phải là loài hoa nào khác, nguồn gốc nào khác. Dù vạn thọ không sinh ra từ đất Việt mà du nhập từ phương Tây, với tôi vạn thọ vô cùng thuần Việt. Thuần Việt từ ý nghĩa cái tên, vạn thọ là niềm tin trường tồn, trường thọ, nên mới được dùng để cúng và chưng ngày tết. Thuần Việt từ sự hòa hợp với đất trồng, dễ sinh dễ sống, lớn lên như loài cây dại, và cả mùi hương gần gũi quen thuộc với khứu giác người bản địa. Hay vì tôi thương quá mà áp đặt vạn thọ thành loài hoa thân thuộc với bản xứ của mình, và chỉ khăng khăng tên gọi riêng mình tưởng nhớ? Chịu vậy, tình yêu thì ngoan cố và thiên vị mà.
Mùa vạn thọ năm đó của gia đình tôi, thất thu thảm hại, không bán được một bụi hoa nào. Mặc cho nỗi buồn của ba mẹ, vạn thọ trước sân vẫn tươi rực rỡ dưới nắng tết, và anh em tôi vẫn có được đòn bánh tét, phong pháo mùng 1 Tết. Sau tết, những bụi hoa vạn thọ còn sót lại tiếp tục nở lai rai, nuôi màu tết cho tới ra Giêng. Mẹ để giống vài cây hoa thật khỏe, để tới Tết Đoan Ngọ thì hái bông khô đem cất, chờ tới ngày “mười ba tháng mười”, tiếp tục nuôi nấng niềm hy vọng cho tết năm sau.
Và cả nhà tôi mãi không quên được “giai thoại hoa vạn thọ” của ba năm đó. Dưới cái nắng gay gắt giữa chợ trưa 30 Tết, đám hoa vạn thọ héo rũ ba tôi cũng buồn thiu, hy vọng tắt dần theo hướng mặt trời ngả bóng. Gặp năm được mùa hoa vạn thọ, nhà nào cũng trồng vài bụi chưng tết nên không ai mua vạn thọ của ba cả. Cầm bình nước mang theo, ba tưới khắp một lượt, xếp lại những chậu vạn thọ cho ngay hàng thẳng lối, rồi ba dắt xe đi không quay về nhà, nơi lũ con đang ngóng đợi. Ba gọi đó là “sự từ bỏ có trật tự”.
Sau lưng ba, đám hoa vạn thọ rực vàng lên trong nắng chiều, trở thành một vườn hoa xuân giữa chợ.
Mười ba tháng mười mỗi năm, tôi gieo hạt vạn thọ vào chậu kiểng đặt trên ban công, neo giữ chút hương vị quê nhà. Trong điều kiện đất đai ít ỏi, chật hẹp, những cây hoa vẫn cố vươn mình lên để sống đúng như tên gọi của mình: vạn thọ.
Đóa hoa quê nở trên ban công phố, màu hoa vàng cũng rưng rưng.
Và miền hoa vạn thọ xa xưa của tôi, đã trôi mãi về nơi nào. Nhưng kỷ niệm một khi đã định danh, sẽ không bao giờ trôi đi mất. Mùa xuân vạn thọ của tôi đã được trao truyền trong từng hạt giống, sẽ truyền thừa mãi mãi, sinh sôi mãi mãi dù là trên bạt ngàn đất quê hay trên từng vuông đất nhỏ phố thị.
TRƯƠNG HUỲNH NHƯ TRÂN