“Do lung lớn quá, đi mãi không hết, ban đầu dân địa phương gọi là lung Trời, sau gọi là lung Ngọc Hoàng”, anh Lư Xuân Hội, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên lung Ngọc Hoàng, giải thích với chúng tôi. Các chuyên gia du lịch nhận định, nếu khai thác đúng thì lung Ngọc Hoàng sẽ là “nữ hoàng” của tour khám phá vùng quê ĐBSCL.
Từ cột mốc số không
Từ văn phòng Khu bảo tồn thiên nhiên lung Ngọc Hoàng, mất hơn 20 phút, chiếc vỏ lãi đưa chúng tôi đến khu vực rốn của lung Ngọc Hoàng (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang). Đó là một khu vực rộng gần bằng nửa sân bóng đá, pha trộn rong rêu và những vệ cỏ đặc quệt chen nhau trên mặt nước. Chiếc vỏ lãi phải nặng nhọc để lách chậm, có lúc phải bườn qua những vệ cỏ, thi thoảng chim cò vụt bay trước mắt khiến chúng tôi không khỏi giật mình.
“Hôm nay mới biết ở Hậu Giang có khu bảo tồn như thế này, nét hoang sơ ở đây thật tuyệt”, anh Trần Hữu Lễ, chuyên gia nghiên cứu về thị trường ĐBSCL, một người bạn cùng chúng tôi khám phá nét đẹp lung Ngọc Hoàng, thốt lên.
Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nhận định: “Giàu tiềm năng, nhưng du lịch Hậu Giang mới phát triển những bước ban đầu, chưa có nhiều sản phẩm du lịch ấn tượng được thương mại hóa và cạnh tranh được với các địa phương khác trong khu vực. Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra từng ngày làm thay đổi tư duy và phương thức sản xuất trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực du lịch, Hậu Giang sẵn sàng hợp tác và cần tiếp nhận công nghệ làm du lịch, để làm giàu hơn, đặc sắc hơn các sản phẩm du lịch hiện có. Phải tìm cách để du khách biết đến Hậu Giang và các sản phẩm du lịch nhiều hơn”. |
Nhận ra những tiềm năng của địa phương, cách đây 3 tháng, tỉnh Hậu Giang đã tổ chức hội thảo để tìm cách giúp nông dân chung tay làm du lịch nông nghiệp. Từ hội thảo này, nhiều người biết đến những tiềm năng du lịch nông nghiệp độc đáo của Hậu Giang như: Khu du lịch sinh thái tại Trung tâm nông nghiệp Mùa Xuân; Khu du lịch sinh thái Việt Úc - Hậu Giang…
“Khu Bảo tồn thiên nhiên lung Ngọc Hoàng - một viên ngọc quý hiếm của Việt Nam rộng hơn 2.800ha ở ngay tại Hậu Giang - đã được các chuyên gia du lịch gợi ý về cách liên kết khai thác sản phẩm du lịch sinh thái, theo hướng bảo tồn và tập trung vào phân khúc khách du lịch cao cấp”, ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết.
Ông Stiermann Marrin, Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Ricefield Logge (ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, Cần Thơ), khi đi thực tế tại lung Ngọc Hoàng đã nhiều lần thốt lên: “Tuyệt vời!”. Ông nói: “Tôi nghĩ lung Ngọc Hoàng đẹp hàng đầu Việt Nam. Tôi đã đi nhiều nơi trong nước nhưng chưa nơi nào tôi thấy có cảnh quan tuyệt vời như thế này”.
Chợt nhớ cách đây 3 năm (năm 2017), có dịp cùng ông Bảy Chánh (Trần Công Chánh, khi ấy là Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, nay đã nghỉ hưu) đi khảo sát lung Ngọc Hoàng. Hôm ấy khi vào đến rốn lung Ngọc Hoàng, chỉ tay lên phía bờ, ông Bảy Chánh nói với mọi người trên xuồng: “Đây là cột mốc số không - nơi đất có cao độ thấp nhất châu thổ”.
Thấy tôi và vài đồng nghiệp có vẻ chưa thông về câu nói, anh Lư Xuân Hội giải thích thêm: “Khu đất đó là rốn của rốn. Nếu toàn diện tích lung Ngọc Hoàng thuộc diện có cao độ thấp nhất trong vùng thì chỗ anh Bảy chỉ là nơi đất trũng nhất trong khu bảo tồn”.
Trong chuyến khảo sát đó, ông Bảy Chánh đã nhắc khéo anh Lư Xuân Hội một ý: “Làm du lịch nông nghiệp thì cần nhưng phải thận trọng, nhất là phải nghiêm ngặt ở khu bảo tồn! Tuyệt đối không dùng các phương tiện di chuyển gây tiếng ồn làm ảnh hưởng đến môi trường sống trong khu”. Anh Hội đáp: “Dạ tụi em nhớ, anh Bảy”.
Ông Phan Đình Huê cũng đồng quan điểm với ông Bảy Chánh khi cho rằng: “Cần phát triển các trang trại làm du lịch và cơ sở lưu trú xung quanh lung Ngọc Hoàng. Phát triển tour tham quan tại đây bằng các phương tiện không động cơ dành cho khách yêu thiên nhiên, nhất là khách Âu - Mỹ”.
Đến Viên ngọc xanh
Rời khu rốn lung Ngọc Hoàng, chúng tôi đến lung Sen. Một vùng đất hoang dã rộng bằng sân bóng đá hiện ra được bao quanh là rừng tràm. Những cây sen như khoe sức sống khi vươn mình khỏi lớp rong trứng phủ dày mặt nước, nhiều đàn cá ròng ròng lớn bằng ngón tay út chen chúc tìm thức ăn. Những tia nắng nhẹ chiếu xuống khiến những đóa sen hồng trở nên lung linh đón ngày mới. Không quá đáng khi nhiều người gọi Khu bảo tồn thiên nhiên lung Ngọc Hoàng là lá phổi xanh của ĐBSCL. Với diện tích trên 2.800ha, đây là vùng đất rất đặc biệt khi có hơn 500 loài cây, con sinh sống. Trong số đó rất nhiều loại thuộc dạng quý hiếm.
Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên lung Ngọc Hoàng, Lư Xuân Hội cho biết: Hiện khu bảo tồn ghi nhận được 330 loài thực vật bậc cao có mạch (237 loài tự nhiên và 93 loài gây trồng) thuộc 92 họ, 224 chi thực vật khác nhau, trong đó đặc trưng là rừng tràm Nam bộ. Trong 237 loài thực vật tự nhiên nêu trên, có 234 loài nằm trong hệ thực vật đất ngập úng phèn (chiếm 98,7%); 3 loài có khả năng sinh sống được cả ở môi trường nước mặn như cóc kèn thuộc họ Đậu, quao nước thuộc họ Quao và dừa nước thuộc họ Cau dừa. Động vật rừng của khu bảo tồn được xác định gồm 206 loài động vật có xương sống trên cạn, phân theo các lớp ếch nhái, bò sát, lớp chim và lớp thú. Về thủy sản, có 77 loài cá được ghi nhận ở khu vực này, chiếm 77% tổng số loài đã ghi nhận được ở các thủy vực nước ngọt của ĐBSCL. |
Chợt nhớ một chi tiết khá thú vị khi đi khảo sát lung Ngọc Hoàng cùng ông Bảy Chánh, ông đã hỏi tôi: “Em đi ít nhiều các địa phương trong vùng, thấy có mấy nơi còn rong trứng sinh sống trên kinh rạch?”.
Tôi suy nghĩ mãi cũng khó nhớ nơi nào còn rong trứng. Có thể nói, sau sự chuyển đổi từ làm lúa mùa một vụ sang làm lúa 3 vụ/năm sản lượng lúa của ĐBSCL tăng vọt, đóng góp rất lớn cho cả nước. Nhưng cái giá phải trả về môi trường không nhỏ - khi nông dân lạm dụng dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Kèm theo đó là sự đánh đổi môi trường khó lượng định bằng cảm quan.
“Rong trứng” là một minh họa sinh động nói về hệ sinh thái đa dạng các loài động vật, thực vật ở lung Ngọc Hoàng. Khai thác du lịch đúng cách thì sẽ tăng thêm những giá trị tinh thần cho người dân trong vùng, thêm hiểu biết về hệ sinh thái đa dạng ĐBSCL.
Giám đốc Khu bảo tồn lung Ngọc Hoàng Lư Xuân Hội chỉ tay về phía chiếc cầu trắng nho nhỏ hiện ra phía xa xa và nói: “Đó là chiếc cầu nối đường đi bộ dài khoảng 12km (bề ngang rộng 1,5m), cơ sở hạ tầng đầu tiên mà lung Ngọc Hoàng đã hình thành để đón khách du lịch khám phá một cách yên tĩnh”. Tôi hiểu câu nói khiêm tốn của anh Lư Xuân Hội như mong muốn có nhà đầu tư vào làm cơ sở hạ tầng căn cơ, tạo ra một không gian du lịch khám phá, yên tĩnh để nhiều người biết “có một lung Trời giữa đồng bằng”.
Tiếng chim bìm bịp bỗng vang lên như báo hiệu con nước lớn - ròng hoán đổi vào buổi trưa. Tôi chợt nhớ bài hát “Về lại lung Ngọc Hoàng” của nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Phúc, anh cũng là Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang: “Chim bìm bịp kêu theo con nước lớn, con nước ròng. Nghe tiếng rừng nỉ non, nôn nao ray rứt trong lòng… Bồng bềnh sương bay, trời mây chập chùng. Dước lung cá ục, tiếng chim rúc trên đầu, ếch gọi bầy rền vang. Bước chân hoang đàn thú, gió lay rừng vi vu...”. Nghe lời bài hát, tôi cảm nhận và thấy yêu hơn Khu bảo tồn lung Ngọc Hoàng - bởi nó như lưu giữ ký ức của một thuở cha ông mở cõi về phương Nam...