Đặc biệt, ông ngoại tôi rất ghiền mấy món này. Có lần trong nhà còn ít bột, mẹ làm bánh mang sang ngoại, ông cứ tấm tắc khen ngon.
Ở xứ Quảng quê tôi ngày trước, nhà nhà thường ăn cơm nấu với khoai lang hoặc sắn khô. Các nguyên liệu này được gói ghém cẩn thận từ tận mùa nắng để bổ sung thêm vào kho gạo, thực phẩm không mấy dồi dào trong mùa mưa gió, lũ lụt triền miên ở xứ này.
Thi thoảng vào mùa mưa lụt, chuyện đồng áng tạm ngưng vài hôm. Mẹ tôi ở nhà cặm cụi trong căn bếp và trổ tài nấu nướng để đàn con tha hồ thưởng thức. Chị em tôi quây quần giúp mẹ một số việc vặt. Chị lớn giã nhân đậu xanh, lột vỏ hành, tỏi. Tôi thì nặn bánh, lau lá chuối cho sạch. Em trai lấy củi bỏ vào đầy bếp cho mẹ. Đó cũng là lúc chúng tôi học hỏi “bí kíp” chế biến một số món ăn đậm chất địa phương từ mẹ mình.
Tôi còn nhớ món bánh sắn mang tên dân dã “bẹp bẹp” của mẹ. Sắn sau khi thu hoạch, bỏ vỏ, cắt thành từng lát mỏng và phơi khô. Dưới ánh nắng rực rỡ của trời miền Trung mùa hạ, chỉ cần đâu mười nắng là có thể đem bảo quản lâu dài hoặc xay thành bột trữ dùng cả năm.
Bột sắn được thêm chút nước lọc, nhồi đều cho đến khi dẻo lại. Sau đó nặn thành từng chiếc viên nhỏ và dùng tay ịn lại cho dẹp nên mẹ gọi là “bẹp bẹp”. Cũng có nơi người ta gọi là chẹp bẹp, chập chập hoặc gọi chung là bánh sắn. Bánh luộc qua nước sôi chừng vài phút, vớt ra để ráo.
Chỉ cần khử dầu phộng với hành tím hoặc nén thơm, bỏ bánh vào xào qua xào lại rồi nêm nếm gia vị cho đều và thấm. Sau khi tắt bếp, rắc thêm một ít hành lá và trộn đều thêm một lần nữa là có thể gắp ra dĩa thưởng thức.
Bột sắn còn dùng để tráng bánh và chế biến thành nhiều món ăn ngon miệng khác nữa. Những chiếc bánh tráng bột sắn cuốn cá nục hấp và rau muống mẹ trồng chấm nước mắm ớt tỏi, nhìn thôi đã hấp dẫn. Cả nhà ăn đến no thay cơm.
Món tủ nhất của ông ngoại là chè ngọt bột sắn hay còn gọi là bánh canh ngọt. Cách làm cực kỳ đơn giản. Bột được nặn thành từng viên nhỏ, có thể biến tấu nhiều hình dáng khác nhau. Khi nặn thì mẹ dặn chúng tôi bỏ vào giữa đậu phộng rang chín hoặc dừa cắt hạt lựu. Nước sôi rồi bỏ nguyên liệu vào nấu chín và thêm gừng, đường tán vào là thành nồi chè ngon lành, thơm nức. Ông ngoại hảo ngọt nên rất mê kiểu này.
Thuở ấy, chúng tôi thích nhất là những lúc được ngồi bên mẹ trong căn bếp củi nhóm lửa ấm áp khi ngoài trời vẫn đổ cơn mưa chưa biết khi nào ngớt để nặn nên những chiếc bánh hình tròn, hình lục giác, sợi dài, thành những cánh hoa hay ngôi sao xinh đẹp, lấp lánh. Khi ăn cứ tần ngần mãi vì thấy tiếc, đôi khi tôi cứ để dành trong dĩa mà nhìn ngắm cho thỏa thích.
Cuối tuần rồi, tôi hẹn chị gái sang nhà mẹ, cùng nhau nắn nót nặn nên những chiếc bánh xinh và những viên nhỏ tròn nấu nồi bánh canh sắn ngọt cho ông ngoại. Trên bếp lửa đỏ hồng, chúng tôi xôm tụ rộn ràng bên mẹ trong tiếng nói cười nô nức như ngày nhỏ... Đôi khi ăn không phải vì thèm mà là vì nhớ thương. Những ai đã từng gắn bó và trải qua những ký ức tuổi thơ tươi đẹp tại quê nhà hẳn là sẽ hiểu thấu được cảm giác này.