Cỏ mọc để bướm bay

Con bướm vàng là bài thơ đầu tiên của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Và để cho nó có chất thơ, thần đồng thơ thuở ấy đã đánh bạo làm một việc… phi thực tế. Anh nhớ lại:

“...Một buổi trưa năm 1964, tôi đang nấu cơm, thấy con bướm vàng bay vụt qua cửa bếp, liền nảy ra ý thơ. Tôi chọn thể thơ ba chữ, vì cảm giác nó hợp với con bướm đang bay, đang vỗ cánh. Nguyên cả bài là: Con bướm vàng/ Con bướm vàng/ Bay nhẹ nhàng/ Trên bờ cỏ/ Em thích quá/ Em đuổi theo/ Con bướm vàng/ Nó vỗ cánh/ Vút lên cao/ Em nhìn theo/ Con bướm vàng/ Con bướm vàng... Thoạt đầu, tôi viết là: Con bướm vàng/ Con bướm vàng/ Bay nhẹ nhàng/ Trên bờ rào...

Tôi thấy gì ghi nấy, chưa có ý đồ nghệ thuật gì. Con bướm chao trên bờ rào thật, chứ không phải bờ cỏ. Làm sao có bờ cỏ ở vườn nhà. Người quê quý đất lắm. Có miếng đất nào thì người ta tận dụng cho bằng hết, dù chỉ là miếng đất cạnh chân rào, hay ô đất bé bằng bàn tay bên vại nước, không trồng cây được, thì họ gieo một ít rau thơm, hay húng láng. Nhưng viết Trên bờ rào, tôi cảm thấy không ổn.

Dùng đến bốn dấu huyền (sau này tôi mới biết là vần bằng) trong bốn câu thơ liền: Con bướm vàng/ Con bướm vàng/ Bay nhẹ nhàng/ Trên bờ rào thì con bướm không phải đang bay mà đang sà xuống. Phải cho nó vỗ cánh lên thôi. Thế là tôi đổi bờ rào thành bờ cỏ. Với hai từ bờ cỏ, tôi cảm thấy con bướm đang vỗ cánh.

Hồi ấy, viết xong, tôi thích bài thơ này lắm. Nó là con bướm nhưng cũng không chỉ là con bướm. Nó như tuổi thơ chập chờn đến rồi đi, có đuổi theo cũng không được, níu giữ cũng không được”.

Thế là, để có một bài thơ, một dáng bay của con bướm vàng, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã liều lĩnh cho cỏ mọc trong vườn nhà.

THẢO LƯ

Tin cùng chuyên mục