
Cơn ác mộng mang tên IS
Ngày càng nhiều thanh niên trên thế giới gia nhập Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), trở thành những phiến quân cực đoan, tàn bạo nhất trong thế giới Hồi giáo. Cùng với lực lượng hùng hậu, điều kiện kinh tế mạnh khiến IS đã vượt lên trên tổ chức khủng bố al-Qaeda, là nỗi ám ảnh kinh hoàng cho bao người.
Mỏ vàng nhiên liệu
Trang IraqiNews.com cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, quỹ hoạt động của IS đã lên đến 2 tỷ USD. Trong khi đó, al-Qaeda có khoảng 100 triệu USD, của Taliban là 400 triệu USD, Boko Haram là 700 triệu USD… Như vậy, IS là tổ chức khủng bố có tiềm lực tài chính mạnh nhất hiện nay. Không như al-Qaeda chỉ tiến hành khủng bố, IS còn có động cơ dùng các cuộc khủng bố để thâu tóm những khu vực, kiểm soát để phục vụ cho mình.
Bằng thủ đoạn tàn ác, hung tợn, IS đã cướp được những mỏ dầu màu mỡ và các nhà máy sản xuất dầu ở Syria và Iraq, sau đó bán dầu ra thị trường chợ đen. GulfTimes.com cho biết hiện 60% mỏ dầu ở Syria và Iraq đã bị IS kiểm soát. Ngày 28-7 vừa qua, LHQ đã cảnh báo và kêu gọi nhiều quốc gia, lãnh thổ không mua nguồn dầu trôi nổi (bao gồm dầu thô, xăng, dầu diesel) để làm lợi cho IS. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia năng lượng thì lời kêu gọi này không đủ sức ngăn cản những thương lái vì nếu so với giá 1 thùng dầu thô trên thị trường ở mức 95 USD như hiện nay thì giá của IS đưa ra là quá rẻ, chỉ 20-25 USD/thùng. Trang GulfNews.com cho biết, trung bình mỗi ngày, IS bán ra thị trường 30.000 thùng dầu lậu. Riêng với những mỏ dầu ở Syria thì ở thời điểm năng suất cao nhất, từng sản xuất được đến 400.000 thùng dầu mỗi ngày. Nếu việc quản lý và khai thác những mỏ dầu ở đây hiệu quả, IS sẽ dễ dàng bỏ túi không dưới 1 triệu USD mỗi ngày. Nguồn dầu ở Iraq và Syria cũng là nguồn nhiên liệu cung cấp cho các cỗ máy chiến đấu của IS gồm phương tiện và các loại vũ khí hạng nặng.
Ngoài ra, IS đang lên kế hoạch đánh chiếm tuyến đường ống dẫn dầu sang Thổ Nhĩ Kỳ vốn ngừng hoạt động từ tháng 3 do hư hỏng. Đường ống này có khả năng vận chuyển 600.000 thùng dầu. Bên cạnh đó, IS còn nhắm đến con đập Haditha ở Tây Bắc Iraq để xả lũ, gây ngập lụt khiến cuộc sống người dân khốn khó.

Lực lượng IS ngang nhiên xuất hiện ở đường phố Iraq.
Bất chấp mọi thủ đoạn
Theo thống kê của Telegraph, chỉ trong năm 2013, IS đã thu được 66 triệu USD chỉ từ tiền chuộc con tin. Các con tin là phóng viên hoặc nhân viên hỗ trợ thuộc các tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ là người phương Tây đang được IS nhắm đến như là những mỏ vàng để bắt cóc đòi tiền chuộc. Trung bình, chúng đòi 5 triệu USD tiền chuộc cho mỗi con tin. Phóng viên Mỹ James Foley, người bị IS chặt đầu, đã được rao mức tiền chuộc đến 130 triệu USD. Chính quyền Washington nhất quyết không đưa tiền chuộc và đã thực hiện cuộc bố ráp trên không và trên bộ để giải thoát James Foley nhưng không thành công. Sau khi hành quyết phóng viên James Foley, IS cũng đã yêu cầu Mỹ đưa 6,6 triệu USD để chuộc một nữ công dân 26 tuổi của Mỹ đến hỗ trợ nhân đạo ở Syria. Theo thống kê, hiện có khoảng 20 con tin là người phương Tây bị IS bắt giữ.
Theo Bloomberg, trong một cuộc tấn công vào Mosul hồi tháng 8 vừa qua, phiến quân IS đã ập vào chi nhánh của một ngân hàng và dễ dàng lấy đi 1 triệu USD. Trước đó, trong quá trình chiếm đóng trung tâm dầu mỏ Mosul, thủ phủ tỉnh Nineveh của Iraq vào tháng 6, IS đã thu giữ nhiều thiết bị quân sự của Mỹ và một lượng lớn tiền mặt trị giá gần 500 triệu USD và vàng khối ở Ngân hàng Trung ương tại đây. Ông Walid Eedi, Giám đốc chiến lược Ngân hàng Trung ương Iraq cho biết, cướp tiền từ các ngân hàng là cách nhanh nhất để IS có được lượng tiền mặt lớn. Đây cũng là cách mà al-Qaeda ở Yemen từng dùng để tăng khả năng tài chính.
Không chỉ cướp ngân hàng, IS còn tổ chức cướp các tiệm vàng và tạo đường dây bán hàng lậu sang nhiều quốc gia ở khu vực Trung Đông. IS còn nhắm vào những cơ sở có nhiều phương tiện, trang phục và nhất là vũ khí để cuỗm toàn bộ chiến lợi phẩm về cho mình. The Economist, IS có thể có đến 6.000 máy bay chiến đấu ở Iraq và khoảng 5.000 chiếc ở Syria. Với khả năng kiếm tiền nhanh chóng mặt và tính toán cẩn trọng, IS được giới quan sát đánh giá không phải là cái gai dễ nhổ và nhiều khả năng có thể là tổ chức khủng bố có sức ảnh hưởng toàn cầu.
Dòng tiền đổ về IS còn có nguồn gốc từ những doanh nhân ở Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh. Dễ hiểu, ở những nước này, người Hồi giáo theo dòng Sunni tương đồng với IS chiếm đa số. LHQ đã công bố danh sách một số nhân vật nhưng thực tế, theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob J. Lew, thì danh sách này còn quá ít. Hiện chính phủ các nước trên đang siết chặt việc công dân nước mình ủng hộ tài chính cho các tổ chức Hồi giáo cực đoan, trong đó có IS.
Nhà báo Michael Billington, nhân sự cấp cao của Executive Intelligence Review cho rằng, chính Mỹ và Anh trong quá trình can thiệp quân sự ở Syria đã cung cấp vũ khí cho những nhân tố có liên quan đến IS. Vì thế mà gần một năm nay, Tổng thống Mỹ Obama dường như làm ngơ với mối họa IS và không nghĩ lực lượng này bành trướng nhanh đến vậy.
Theo Mashable, trong 2 năm nay, IS thường xuyên công bố các báo cáo tài chính theo đúng phong cách của một tập đoàn, doanh nghiệp, thu hút tài trợ để cùng khai thác bất hợp pháp nguồn dầu mà IS đang chiếm đoạt. IS đã thực hiện một cách bài bản, có lộ trình rõ ràng để đạt được tham vọng hình thành nên một Nhà nước Hồi giáo như đã tự xưng.
Quy mô của IS ngày càng lớn mạnh cùng nguồn tài chính dồi dào sẽ là thách thức lớn với an ninh trên cả thế giới. IS mới đây đã công khai thông báo rằng sẽ sớm lập chi nhánh ở Ấn Độ, vươn ra cả khu vực Nam Á.
NHƯ QUỲNH (tổng hợp)