Với một chân còn lại, ông Vinh quyết tâm vẫn sẽ cống hiến cuộc đời mình cho cách mạng. Bằng ý chí vươn lên, học tập Bác Hồ vì nước, vì dân, người thương binh Nguyễn Vinh đã có những đóng góp thiết thực theo sức của mình cho cách mạng và xã hội dù nay đã 90 tuổi đời.
90 tuổi đời, tuy mắt đã kém nhưng ông Nguyễn Vinh vẫn còn rất minh mẫn. Ông nhớ khi còn ngồi trên ghế nhà trưaờng, nhìn thấy cảnh người dân bị áp bức, bị bóc lột, ông căm hờn lắm. Rồi lần đó, khi vừa mở cửa nhà, ông gặp một cụ già đang run lên vì đói và rét. “Ông cụ với đôi tay gầy yếu cầm lấy bát cơm tôi tặng mà nước mắt trào ra. Đó là giây phút lòng tôi thêm quyết tâm phải cống hiến sức trẻ cho quê hương”, ông Vinh nhớ lại thời điểm mình bắt đầu tham gia cách mạng.
Đưa tay sờ vào cái chân giả, ông bảo bản thân còn giữ cái mạng đã là may mắn. Chỉ vài tháng tham gia chiến đấu, ông bị thương và mất đi chân phải. Dù đã hơn 70 năm nhưng ông Vinh không thể quên những người bạn cùng chiến đấu. Đó là đồng chí có giọng hát rất hay đã hy sinh trên tay ông trong lần đi trinh sát. Đó là người anh chơi đàn ghi ta rất giỏi nhưng lại bị mìn cắt đứt bàn tay… Trong thời gian điều trị vết thương, ông Vinh nhớ đến những đồng đội đã mãi ra đi, nhớ đến sự khổ cực của nhân dân khi phải sống dưới ách đô hộ. Với những suy nghĩ tích cực, ông quyết còn sức ông sẽ còn cống hiến. Vậy là, dù vết thương chưa lành hẳn, ông Vinh bắt đầu chống nạng để mỗi buổi sáng lại lên lớp dạy đồng đội đang điều trị thương học chữ, trưa thì chống nạn đi vào bản dạy trẻ con đọc bài ê a, tối lại lên lớp dạy xóa mù chữ cho người lớn trong bản. Nhờ kiến thức có được khi ngồi ghế nhà trường, với từng lớp học ông Vinh sáng tạo ra cách dạy rất riêng cho phù hợp từng lứa tuổi và sức khỏe. Nhờ sự tận tụy của ông Vinh và quyết tâm của mọi người nên sau 3 tháng, nhiều đồng đội của ông từ mù chữ đã có thể viết thư về cho gia đình.
Nhắc đến cách mạng và Bác Hồ, mắt ông Vinh sáng ngời: “Tôi tự hào vì được trở thành người bộ đội, được cầm súng chiến đấu. Nhờ có Bác, có cách mạng tôi đã được học tập và trở thành một dược sĩ, để tiếp tục được cống hiến sức mình cho xã hội’’.
Là người năng động nên khi đến tuổi nghỉ hưu, ông Vinh lại tiếp tục tham gia các hoạt động tại khu phố nơi mình sinh sống. Người dân nghèo cư ngụ tại phường 3, quận Gò Vấp khi ấy rất quen thuộc với hình ảnh “chú Tư bí thư” (tên thân mật người dân gọi ông Nguyễn Vinh) lọc cọc đạp chiếc xe cũ đến từng con hẻm, nhà dân để thăm hỏi tình hình cuộc sống, chuyện học hành của con cái. Ông không chỉ nghe, mà khi đã tận tường hoàn cảnh của dân, ông lại có đề xuất lên phường để có những chính sách hỗ trợ phù hợp. Nhờ sự nhiệt tâm, trách nhiệm của ông mà nhiều gia đình khó khăn đã được vay vốn làm ăn và thoát nghèo.
“Bác Hồ luôn rất điềm đạm, thân ái, dù là phê bình sâu sắc, Bác cũng rất nhẹ nhàng. Tôi nhớ lần Bác đến thăm Nhà máy cơ khí Gia Lâm, khi thấy biển tên nhà máy ghi không có dấu, Bác gọi anh giám đốc đến gần bên và đọc “Nhà máy có khỉ Già Lắm”. Bác phê bình đấy, nhưng lại rất tế nhị và vui vẻ, nên người mắc lỗi sẽ biết mình phải làm gì để sửa sai”, ông Vinh chia sẻ.