Cơ hội “vàng” để doanh nghiệp xanh chuyển mình

Với hơn 11.000 tấn chất thải phát sinh mỗi ngày, đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho hạ tầng tiếp nhận và xử lý của TPHCM, nhất là khi phần lớn lượng chất thải sinh hoạt chỉ chôn lấp. 

Do vậy, với Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (Nghị quyết 98), là cơ hội cho doanh nghiệp (DN) xanh đột phá chuyển mình để bắt kịp xu hướng phát triển bền vững.

Giao quyền chủ động cho doanh nghiệp

Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, cho biết, trong Nghị quyết 98 có 2 quy định tác động trực tiếp đến hoạt động của các DN ngành môi trường. Một là cho phép các nhà đầu tư đang thực hiện dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tự nguyện chuyển đổi toàn bộ công nghệ sang xử lý CTRSH có thu hồi năng lượng được xem xét bổ sung khối lượng CTRSH theo hình thức đặt hàng.

Hai là chính sách khuyến khích, hỗ trợ việc chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch; thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông mới sử dụng năng lượng sạch; sử dụng phương tiện giao thông công cộng để hạn chế ùn tắc giao thông.

Phân loại chất thải nhựa để tái chế tại Nhà máy xử lý rác Vietstar, huyện Củ Chi, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Phân loại chất thải nhựa để tái chế tại Nhà máy xử lý rác Vietstar, huyện Củ Chi, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Thực tế cho thấy, lượng chất thải phát sinh tại TPHCM đang được xác định thành các nhóm chính, bao gồm: chất thải sinh hoạt phát sinh 9.000-11.000 tấn/ngày; chất thải y tế nguy hại 40-60 tấn/ngày; chất thải xây dựng 1.500-1.700 tấn/ngày; chất thải công nghiệp không nguy hại 1.500-2.000 tấn/ngày…

Về giải pháp xử lý, với nhóm chất thải y tế, nguy hại, xây dựng và công nghiệp, đang được các đơn vị thu gom và xử lý đạt yêu cầu; riêng CTRSH vẫn còn những bất cập cần nhanh chóng chuyển đổi.

Sở TN-MT TPHCM cho biết, hiện có 4 công ty là Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS), Công ty cổ phần Vietstar, Công ty cổ phần Tâm Sinh Nghĩa và Công ty Môi trường đô thị TPHCM tham gia thu gom, xử lý chất thải các loại và áp dụng các giải pháp xử lý gồm chôn lấp, tái chế rác thành phân compost và tái chế rác thải nhựa.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là lượng rác thải phải xử lý bằng biện pháp chôn lấp vốn đã rất lạc hậu lại chiếm tới hơn 90% tổng lượng rác phát sinh. Không dừng lại đó, phương tiện vận tải thu gom CTRSH cũng còn nhiều hạn chế cần được giải quyết. Hiện có 22 công ty dịch vụ công ích của thành phố tham gia thu gom, vận chuyển rác thải nhưng chỉ thu gom được khoảng 40% lượng rác thải phát sinh, tương đương 1.400 tấn/ngày.

Số rác thải còn lại do hơn 2.000 công ty tư nhân, hợp tác xã, lực lượng thu gom rác dân lập thu gom. Trong khi phương tiện thu gom vận chuyển của lực lượng thu gom rác dân lập rất lạc hậu, chủ yếu là xe thô sơ, tự chế nên gây ô nhiễm môi trường trong quá trình thu gom, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường của thành phố.

Bước ngoặt cơ chế để nâng cấp

Ông Phan Hồng Thái, Chủ tịch Hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp phía Nam, cho rằng, Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM có hướng mở rất lớn liên quan đến hoạt động xử lý môi trường.

Theo đó, các đơn vị có đề án chuyển đổi công nghệ xử lý rác được thành phố đặt hàng thực hiện thay vì phải đấu thầu - vốn phức tạp thủ tục hành chính và mất nhiều thời gian. Đây được xem là bước ngoặt về cơ chế, thuận lợi cho hoạt động đầu tư của DN ngành môi trường nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhà máy xử lý rác thải hiện đại, nhà máy đốt rác phát điện.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Huỳnh Minh Nhựt nói, từ năm 2002 đến nay, Công ty Môi trường đô thị TPHCM đã xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế từ chương trình phân loại CTRSH tại nguồn.

Đặc biệt, công ty đang đề xuất với UBND TPHCM chấp thuận chủ trương được triển khai thực hiện dự án Nhà máy Xử lý CTRSH bằng công nghệ đốt hiện đại với công suất 1.000 tấn/ngày và có thể nâng lên từ 3.000-5.000 tấn/ngày tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp, Củ Chi.

Nhà máy xử lý chất thải rắn Vietstar tại Củ Chi. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhà máy xử lý chất thải rắn Vietstar tại Củ Chi. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Về phía Sở TN-MT, từ năm 2019, sở đã làm việc với nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực môi trường để chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải. Tuy nhiên, do còn vấp phải nhiều vướng mắc trong cơ chế, thủ tục pháp lý nên các công ty chưa thể hoàn thành và đưa vào vận hành nhà máy xử lý rác thải phát điện sạch.

Thời gian qua, thành phố đã quyết liệt hỗ trợ các công ty sớm hoàn thiện quá trình đầu tư nhà máy đốt rác phát điện nhưng vẫn chưa đạt kết quả. Sở TN-MT kỳ vọng với Nghị quyết 98 sẽ giúp các DN chuyển mình, xanh hóa hoạt động thu gom và xử lý chất thải nhanh hơn.

* PGS-TS NGUYỄN HỒNG QUÂN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển kinh tế tuần hoàn TPHCM:

Giao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp xanh

Quá trình chuyển đổi xanh của DN trong nước đang vấp phải nhiều thách thức, tập trung chủ yếu là tài chính, công nghệ, cơ chế, đặc biệt trong liên kết các bên. Ngoài việc DN phải chủ động xây dựng kế hoạch và lộ trình chuyển đổi, cần có sự tham gia thúc đẩy rất lớn từ hệ thống chính quyền địa phương và bộ ngành liên quan. Do vậy, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý và chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ sự phát triển của kinh tế tuần hoàn. Song song đó, xây dựng hệ sinh thái gồm các quỹ đầu tư, tài trợ, mô hình hợp tác kết nối các bên, sự hỗ trợ quốc tế, công nghệ, nhân lực… Riêng với TPHCM, cần có đề án cụ thể theo hướng mở, giao quyền chủ động cho DN để thúc đẩy nhanh đầu tư hạ tầng xanh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu xanh hóa sản xuất trong nước cũng như thu hút mạnh dòng vốn đầu tư nước ngoài đang đổ về Việt Nam.

* Ông NGUYỄN HỮU TIẾN, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam:

Cần nguồn vốn ưu đãi cho doanh nghiệp lĩnh vực môi trường

Số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực môi trường nhiều nhưng quy mô nhỏ và rất nhỏ, năng lực vốn còn yếu, thiết bị thu gom chất thải lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường ngay trong quá trình thu gom. Nguyên nhân do ngân sách các tỉnh, thành phố chi trả cho hoạt động thu gom, xử lý chất thải chưa phù hợp, mức lương công nhân lao động còn thấp nên năng lực cũng như hiệu quả cải thiện chất lượng môi trường chưa cao.

Vì vậy, chính quyền các địa phương, bộ ngành cần hoạch định nguồn vốn hỗ trợ với lãi suất ưu đãi để gia tăng nội lực cho DN, giúp DN sớm chuyển đổi năng lực xử lý chất thải, tiệm cận được tiêu chuẩn xanh hóa mà Chính phủ đang triển khai. Về phía DN, đây là cơ hội vàng để chuyển đổi năng lực xanh, thay đổi phương tiện, phương thức quản lý; chủ động tính toán lại mức hao phí trang thiết bị, làm cơ sở để Bộ TN-MT, chính quyền địa phương ban hành mức giá phù hợp.

ÁI VÂN


Theo báo cáo của UBND TPHCM về sơ kết kết quả thực hiện giữa nhiệm kỳ Chương trình “Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020-2030”, từ năm 2021 đến tháng 5-2023, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tiếp tục rà soát, chuyển đổi 1.450 phương tiện thu gom, vận chuyển CTRSH.

Sau khi rà soát, tổng số phương tiện thu gom hiện hữu của thành phố là 6.575 phương tiện (gồm 2.565 phương tiện không đạt chuẩn, tỷ lệ 38,87% và 4.019 phương tiện đạt chuẩn, tỷ lệ 61,13%); nhu cầu chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển mới là 1.664 phương tiện.

Tin cùng chuyên mục