Nỗ lực của Iraq
Iraq - nước khai thác dầu mỏ lớn thứ 2 trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), đã xuất khẩu 100.563.999 thùng dầu trong tháng 3 vừa qua và thu về 11,07 tỷ USD - mức doanh thu cao nhất kể từ năm 1972. Trong bối cảnh nổ ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine và Nga, quan chức điều hành các dự án của Bộ Dầu mỏ Iraq - ông Shaker Mahmoud Khalaf ngày 17-4 cho biết, Baghdad đang tìm kiếm thêm cơ hội xuất khẩu dầu sang châu Âu vì nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ đóng góp hơn 90% thu nhập của Iraq.
Nguồn thu từ dầu mỏ có ý nghĩa quan trọng đối với Chính phủ Iraq, khi nước này đang chìm trong khủng hoảng tài chính và cần vốn để xây dựng lại cơ sở hạ tầng sau nhiều thập niên chiến tranh. Quốc gia này đang có ý định sử dụng vai trò của mình để đáp ứng nhu cầu của thị trường toàn cầu, đặc biệt là các nước châu Âu, đồng thời đang nỗ lực củng cố vị thế và tìm cách thâm nhập vào những thị trường mới.
Một báo cáo gần đây từ Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải tiết lộ rằng, Iraq đã nổi lên là đối tác thương mại số một của Trung Quốc trong khu vực và là nhà cung cấp dầu lớn thứ ba của nước này, sau Saudi Arabia và Nga.
“Khối khí đốt”
Không chỉ có Iraq, một cuộc phỏng vấn độc quyền với hãng tin ILNA, ông Mir Ghasem Momeni - một chuyên gia năng lượng nổi tiếng ở Trung Đông, cho rằng, sự vắng mặt của khí đốt Nga và các cuộc đàm phán của Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) là cơ hội vàng để Iran cải tạo ngành công nghiệp dầu khí và đảm bảo xuất khẩu dầu khí của nước này.
Chính các vấn đề năng lượng là một trong những lý do mà các nước châu Âu sẽ rất muốn khôi phục thỏa thuận JCPOA với Iran để mở đường cho việc mua dầu và khí đốt hợp pháp từ Iran trong trường hợp Nga có thể bị trừng phạt nghiêm ngặt hơn. Trước châu Âu, tháng 3 năm ngoái, Trung Quốc và Iran đã ký một thỏa thuận hợp tác 25 năm, trong đó Bắc Kinh hứa đầu tư 400 tỷ USD vào nền kinh tế của Iran để đổi lấy nguồn cung dầu. Điều này giúp Trung Quốc tăng cường sức mạnh trong các khu vực mà Iran có ảnh hưởng, đặc biệt là ở Iraq và ở Trung Đông nói chung.
Nhìn xa hơn, đây cũng là cơ hội vàng để thành lập một “khối khí đốt” bao gồm Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq để tranh thủ lợi thế ở thị trường châu Âu. Về khả năng thành lập khối khí đốt này thì mỗi nước phải giải quyết các vấn đề nội tại của mình trước.
Iraq có tài nguyên nhưng hiện vẫn đang nhập khẩu khí đốt từ Iran do những thách thức về cơ sở hạ tầng rệu rã vì bị tàn phá sau nhiều thập niên chiến tranh, nên không thể tự cung cấp khí đốt từ các nguồn tài nguyên trong nước. Tuy nhiên, Iraq có ý nghĩa địa chiến lược đối với tuyến đường bộ của dự án Vành đai và con đường (BRI) của Trung Quốc, vốn nối Trung Đông với châu Âu qua Iran, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng không có khả năng sản xuất khí đốt và cũng đang dựa vào nguồn cung khí đốt từ Azerbaijan và Iran. Tuy nhiên, dù Thổ Nhĩ Kỳ không nằm trong khu vực Trung Đông, nhưng cũng có thế mạnh ở vị trí trung chuyển đắc địa, nên nhiều nước đang nỗ lực thuyết phục để cùng bắt tay cung cấp khí đốt cho châu Âu, giảm phụ thuộc vào Nga, trong đó có Israel. Hồi tháng 3 vừa qua, Tổng thống hai nước Thổ Nhĩ Kỳ - Israel đã gặp nhau lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ để bàn việc hai nước phối hợp vận chuyển khí gas sang châu Âu, theo đó Thổ Nhĩ Kỳ xây đường ống vận chuyển để đáp ứng cơ sở hạ tầng và Israel sẽ khai thác khí gas từ một giếng khổng lồ ở Trung Đông.