Cơ hội và thử thách ngành bán dẫn

Việt Nam đang có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là nhận định của đại diện Bộ KH-ĐT trong buổi họp báo công bố Chương trình Thách thức đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024, vào hôm qua 18-3. Trong khi đó, dự báo của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA) cho thấy, thị trường bán dẫn Việt Nam có thể tăng trưởng hơn 6% trong giai đoạn 2022-2027.

Cơ hội và thử thách ngành bán dẫn

Việt Nam có nhiều tiềm năng và cơ hội gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Đây cũng là một trong những nội dung hợp tác quan trọng trong khuôn khổ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ sau khi hai bên ra Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vào năm 2023.

Cùng với ngành bán dẫn, AI cũng là một lĩnh vực nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Sự phát triển của AI không chỉ trong lĩnh vực công nghệ mà thực sự sẽ thay đổi cơ bản cách con người nghiên cứu, làm việc, sáng tạo nội dung và được dự đoán đóng góp hàng ngàn tỷ USD vào kinh tế toàn cầu hàng năm, theo báo cáo của McKinsey 2023.

Để có thể tận dụng cơ hội, tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, theo đại diện Bộ KH-ĐT, Việt Nam đã và đang từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu, tìm kiếm và thúc đẩy các giải pháp công nghệ để hỗ trợ, phát triển và lan tỏa.

Thể hiện sự lạc quan hơn, ông Rafael Frankel, Giám đốc Chính sách công khu vực Đông Nam Á của Tập đoàn Meta, khẳng định, Việt Nam đang có cơ hội “hóa rồng” trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo khi đang hội tụ rất nhiều tiềm năng. Để tận dụng được các cơ hội trên, điều Việt Nam cần nhất hiện nay là nguồn nhân lực.

Nguồn nhân lực đó phải là chất lượng cao, đủ sức nắm bắt công nghệ cũng như thích ứng được với sự chuyển biến nhanh chóng của ngành này. Đơn cử, ngành sản xuất chip hiện nay trên thế giới đang dần chuyển sang sản xuất chip thế hệ mới; có nghĩa là nhân lực phải “chạy đua” để thích ứng với sự “dịch chuyển” nhanh chóng này của ngành, tránh bị “lạc hậu” khi mới vừa đào tạo xong.

Năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030. Sau 2 năm triển khai, Việt Nam đạt được thành tựu đáng khích lệ, trong đó, năm 2022, Việt Nam đứng thứ 55 trong số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ về chỉ số sẵn sàng về AI, tăng 7 bậc so với 2021, theo báo cáo của Oxford Insights. Việt Nam cũng có những doanh nghiệp đạt những thành tích đáng kể trong nghiên cứu ứng dụng AI như FPT, Viettel AI, VNPT AI, VIN AI…

Điều này càng chứng tỏ năng lực và vị thế của kỹ sư, chuyên gia Việt Nam trong việc nghiên cứu, phát triển ứng dụng AI. Bộ KH-ĐT cũng đã phối hợp các bộ ngành nghiên cứu, xây dựng đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” với mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư đến năm 2030.

Với chiến lược đào tạo nhân lực bài bản và mang tính dài hơi, cùng những chính sách hỗ trợ đồng bộ và hiệu quả, câu chuyện kỳ vọng “hóa rồng” trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và AI của Việt Nam sẽ không còn là giấc mơ. Nhưng, để đạt được mục tiêu đó vẫn là một chặng đường đầy thử thách và cần sự nỗ lực mạnh mẽ hơn từ nhiều phía, trong đó có cả sự đồng hành và chia sẻ từ cả phía Nhà nước và doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục