Không giống những siêu phẩm thế giới đã từng quay ở Việt Nam, với Thị Mai, đạo diễn Patricia, người Tây Ban Nha, đã đem đến cho người xem những cảm nhận chân thực như chính dòng chảy cuộc sống đang diễn ra ở một đất nước châu Á trẻ trung, năng động, cách xa 20 giờ bay.
Chia sẻ về tác phẩm điện ảnh đặc biệt này, bà Mencía Manso de Zúniga, Tham tán văn hóa Tây Ban Nha tại Việt Nam, nói: Thị Mai là phim đầu tiên quay tại Việt Nam và mang đến cách nhìn khác hẳn về Việt Nam so với các phim châu Âu trước đó. Việt Nam bây giờ mới, hiện đại và xinh đẹp…”.
Thị Mai là câu chuyện giản dị về 3 người phụ nữ Tây Ban Nha trung niên sống ở thành phố nhỏ tại Tây Ban Nha chưa từng có cơ hội ra nước ngoài. Hoàn cảnh xô đẩy khiến họ thực hiện đến đất nước xa xôi để nhận nuôi một đứa trẻ. Tại đây, họ có những cuộc phiêu lưu thú vị như cùng nhau đạp xe dạo quanh Hà Nội, đi thuyền trên vịnh Hạ Long, bị lạc khi tìm tới chợ Đồng Xuân... Với cốt chuyện ấy, một Việt Nam thân thương dần được tái hiện, vừa dung dị, gần gũi lại vừa lạ lẫm, quyến rũ…
Những con phố đông như mắc cửi với đủ các phương tiện giao thông đan cài, nhưng giữa bao ồn ào đó là những rặng cây xanh mướt mắt quanh hồ Gươm, cầu Long Biên trầm mặc, những cánh đồng lúa chín vàng như rót mật… Còn đó một Hạ Long đẹp như một bức tranh; và hơn cả là sự chân thực, chất phác của người dân…
Phim không có trai xinh, gái đẹp, không có biệt thự, xe hơi sang trọng, cũng không có những kỹ xảo cầu kỳ với những tuyên ngôn to lớn, sâu sắc nhưng với sự góp mặt của dàn diễn viên tên tuổi của hai nước: Carmen Machi, Aitana Sánchez- Gijón, Adriana Ozores, Daniel Rovira, Chiều Xuân, Mạnh Cường, Bùi Bài Bình... đã đem đến cho người xem những giây phút giải trí nhẹ nhàng.
Nhà sản xuất cho biết, sau khi khởi chiếu tại Việt Nam, Thị Mai sẽ chính thức ra rạp tại Tây Ban Nha vào đầu năm 2018. Khi đó, không chỉ những người làm điện ảnh của xứ sở bò tót mà còn rất đông khán giả nước này sẽ biết đến Việt Nam. Và tất nhiên, đó sẽ không phải là một Việt Nam với các cuộc “chiến tranh” như nhiều người bấy lâu nay vẫn nghĩ. Một cơ hội mới mở ra…
Cùng với việc liên tiếp là điểm đến của nhiều tác phẩm điện ảnh, Việt Nam có nhiều cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước tới đông đảo bạn bè quốc tế. Đó là dịp để các nhà làm phim, nghệ sĩ, diễn viên trong nước được tiếp cận, học thêm nhiều điều từ những nền điện ảnh tiên tiến trên thế giới. Có thể nhìn thấy những lợi ích không thể phủ nhận từ việc hợp tác sản xuất phim với nước ngoài, song thực tế vẫn có nhiều cơ hội bị bỏ lỡ bởi không ít nhà làm phim nước ngoài còn e dè khi chọn Việt Nam. Nhiều nhà sản xuất thừa nhận, dù Việt Nam có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, phong phú và hấp dẫn, ẩn chứa nhiều điều mới lạ…, song bên cạnh việc hạn chế trong cung cấp dịch vụ làm phim chuyên nghiệp, thì ở Việt Nam thủ tục hành chính vẫn là điều khiến họ phải cân nhắc.
Cụ thể như, đạo diễn phim Bầu trời đỏ đã chọn Campuchia làm trường quay do lo ngại xin giấy phép thực hiện phim chiến tranh ở Việt Nam. Đạo diễn gốc Việt nổi tiếng tại Ấn Độ Peter Hein, người được coi là mở đầu cho việc hợp tác sản xuất phim giữa Việt Nam và Ấn Độ, chia sẻ rằng đã từng đưa 4 đoàn làm phim Bollywood tới Việt Nam khảo sát bối cảnh. Tiếc thay, 3 đoàn đã chuyển qua Thái Lan để thực hiện, bởi ngoài việc không quen với quy định duyệt kịch bản, nhiều nhà làm phim Bollywood cũng không đủ kiên nhẫn vì quá trình xin thủ tục cấp phép quay phim tại Việt Nam còn chậm. Hay như nhà sản xuất Larry cũng thẳng thắn bày tỏ rằng để Việt Nam tăng tính cạnh tranh và trở thành điểm làm phim hấp dẫn, cần có chính sách và cơ chế pháp luật hỗ trợ các đoàn làm phim quốc tế.
Tiếc thì có tiếc, nhưng hy vọng đó cũng là cách để những người quản lý cùng nhìn lại để cùng tham mưu điều chỉnh những quy định cho phù hợp với tình hình mới. Có như vậy, mới có thể hy vọng một sức sống mới sôi động ở phim trường Việt.