Cơ hội và thách thức cho cộng đồng kinh tế ASEAN

Sáng 17-10, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Mekong 2014 với chủ đề “Cộng đồng kinh tế ASEAN - Cơ hội và thách thức” do Hội Phát triển Hợp tác Kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia (VILACAED) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức, với sự tham gia của gần 300 khách mời trong và ngoài nước.

(SGGPO).- Sáng 17-10, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Mekong 2014 với chủ đề “Cộng đồng kinh tế ASEAN - Cơ hội và thách thức” do Hội Phát triển Hợp tác Kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia (VILACAED) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức, với sự tham gia của gần 300 khách mời trong và ngoài nước.

Đây là sự kiện thường niên do VILACEAD phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức luân phiên tại Việt Nam với chủ đề phù hợp với chính sách và định hướng phát triển của tiểu vùng theo từng thời kỳ, giai đoạn.

Tại Diễn đàn, các diễn giả đã nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với ASEAN và ngược lại. Hiện các nhà đầu tư ASEAN đã đầu tư vào 55/63 tỉnh thành của Việt Nam với trên 2.400 dự án, tổng vốn đăng ký gần 52 tỷ USD. Quy mô bình quân các dự án này khoảng 21,3 triệu USD/ dự án, cao hơn mức bình quân chung (14,45 triệu USD). Ở chiều ngược lại, tính đến tháng 9 này, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang 8 quốc gia ASEAN (chỉ trừ Philipppines) với tổng vốn đăng ký 9,74 tỷ USD.

Đại diện các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã trình bày các định hướng chính sách trong thời gian tới nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của Cộng đồng kinh tế ASEAN. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định tiếp tục chủ trương tích cực hội nhập sâu rộng, đặc biệt chú trọng tính liên kết và hội nhập kinh tế sâu rộng. 

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các chính sách về quản lý ngoại hối liên quan đến dòng vốn trong thời gian qua đã được xây dựng trên nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm lợi ích hợp pháp cho tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia vào các hoạt động đầu tư vào Việt Nam; hoạt động đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; hoạt động vay, trả nợ nước ngoài và các hoạt động chuyển tiền khác; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu của chính sách tiền tệ quốc gia, thực hiện các cam kết của Việt Nam trong lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về ngoại hối và hoàn thiện hệ thống quản lý ngoại hối của Việt Nam.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về quản lý ngoại hối nói chung bám sát định hướng xây dựng một khuôn khổ pháp lý về đầu tư mở và tự do đối với lưu chuyển dòng vốn thông qua cải cách các quy định điều tiết thị trường theo hướng minh bạch hơn, nhất quán và có hiệu lực hơn. Đồng thời, NHNN sẽ phối hợp với các Bộ, Ngành xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu về dòng vốn nhằm chủ động phân tích, đánh giá biến động dòng vốn...

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục