Trao đổi xây dựng
Đây là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của ông Altmaier trên cương vị mới. Ông Altmaier cho biết các cuộc đàm phán giữa ông với các quan chức Mỹ có thể đi tới khả năng tìm được một giải pháp giúp các bên tránh rơi vào một cuộc xung đột thương mại. Mặc dù không cung cấp thêm thông tin về bất cứ giải pháp khả thi nào, nhưng Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho biết ông nhận được sự ủng hộ của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross.
Theo tuyên bố chung đưa ra sau cuộc gặp, các bên đã có một cuộc trao đổi mang tính xây dựng về tất cả vấn đề liên quan đến mối quan hệ kinh tế với mục tiêu chung hạ nhiệt căng thẳng thương mại. Các bên sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận để giải quyết những vướng mắc còn tồn tại.
Tuyên bố trên được đưa ra trước chuyến thăm Mỹ của Ủy viên Thương mại Liên minh châu Âu Cecilia Malmstroem trong tuần này. Dự kiến, bà Malmstroem sẽ có cuộc gặp với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross và nhiều quan chức Mỹ.
Hiện nhiều đối tác thương mại của Mỹ, tập đoàn công nghiệp, giới nghị sĩ Cộng hòa đều lo lắng về khả năng xảy ra một cuộc chiến thương mại toàn cầu kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh công bố áp mức thuế suất mới, 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu. Hiện chỉ có Canada và Mexico được miễn trừ trong kế hoạch áp thuế, ít nhất trong tạm thời.
Lo ngại nguy cơ bảo hộ
Quyết định áp thuế lên nhôm và thép nhập khẩu của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trở thành một trong những chủ đề nóng được thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại thủ đô Buenos Aires (Argentina) diễn ra ngày 19 và 20-3. Các bên tham gia bày tỏ quan ngại về những nguy cơ từ các chính sách bảo hộ, đồng thời cam kết thúc đẩy thương mại tự do.
Các quan chức G20 cũng cảnh báo về những hệ lụy đối với tăng trưởng kinh tế thế giới nếu một cuộc chiến thương mại nổ ra, trong bối cảnh Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ công bố mức thuế mới đối với các mặt hàng công nghệ và hàng tiêu dùng của Trung Quốc có giá trị xuất khẩu 60 tỷ USD/năm sang Mỹ trong tuần này. Đây là hội nghị đầu tiên của G20 kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định áp thuế nhập khẩu cao đối với các mặt hàng thép và nhôm.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết đã gửi thông điệp đến Bộ trưởng Tài chính Mỹ Mnuchin rằng Washington nên cân nhắc trong việc đưa tên các quốc gia châu Âu nằm trong danh sách áp thuế, bởi nó sẽ tổn hại đến quan hệ đồng minh giữa hai bên. Mỹ là thị trường xuất khẩu nhôm và thép lớn của châu Âu. Thống kê trong năm ngoái cho thấy, kim ngạch xuất khẩu thép và nhôm của châu Âu sang thị trường Mỹ đạt con số 6,5 tỷ USD và 1,4 tỷ USD.
Trước đó, trong trả lời phỏng vấn CNBC, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã lên tiếng cảnh báo rằng ngoài việc đáp trả hàng rào thuế quan mà Mỹ dựng lên đối với thép và nhôm nhập khẩu, EU có thể hợp sức với các quốc gia ngoài khối để trả đũa Mỹ. EU đã chuẩn bị một danh sách các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ có khả năng phải chịu mức thuế 25% với giá trị hơn 3 tỷ USD, tương ứng với thị phần của các sản phẩm thép và nhôm của châu Âu sẽ bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế mới của phía Mỹ.