Cơ hội tinh giản thủ tục đầu tư

Mới đây, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ GTVT đã trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (ĐSTĐC) với đề xuất “19 chính sách đặc thù, đặc biệt và giải pháp áp dụng cho dự án”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, nếu bỏ qua những ràng buộc hiện tại của pháp luật mà đến cuối năm 2027 dự án mới khởi công, và 12 năm nữa tàu mới chạy - là quá lâu!

Nổi bật xuyên suốt tờ trình là 9 bộ luật hiện hành bị “bêu tên”. Bởi vì muốn làm dự án ĐSTĐC cho nhanh thì không thể tuân theo một số quy định nằm rải rác trong các bộ luật như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Khoáng sản, Luật Kiến trúc, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Kiểm toán nhà nước...

“Nếu thực hiện đúng trình tự xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng, đấu thầu, để khởi công dự án kể từ thời điểm phê duyệt chủ trương đầu tư thì nhanh nhất cần hơn 4 năm, khoảng quý 2 năm 2029”, tờ trình nêu rõ.

Chẳng hạn, đối với việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án, theo Luật Khoáng sản, phải thực hiện 7 bước, tổng thời gian khoảng 357 ngày. Thực tiễn cho thấy, khi triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam bị thiếu vật liệu nên kéo dài, dừng thi công, Quốc hội đã ban hành một nghị quyết riêng và Chính phủ phải ban hành 9 nghị quyết để tháo gỡ!

Hoặc theo Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, để triển khai lập, phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch thực hiện 6 bước thì cần khoảng 1,5 - 2 năm, thậm chí có địa phương cần đến 3 năm…

Những “ràng buộc” thủ tục mất thời gian như vậy, các bộ ngành đều thấy rõ. Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, lãnh đạo Bộ KH-ĐT đã thẳng thắn phát biểu: “Dubai chỉ mất 5 năm để xây dựng được thành phố hiện đại với 500 tòa nhà, trị giá 20 tỷ USD. Còn nếu với “một rừng” quy định như ở ta thì phải mất 1.500 năm!”.

Với dự án ĐSTĐC, vì sao đã áp dụng “chính sách đặc thù, đặc biệt” mà thời gian dự kiến hoàn thành kéo dài đến 12 năm? Theo các chuyên gia, việc quá mất nhiều thời gian như vậy cũng là lãng phí! Bởi, triển khai dự án này nên tập trung các nhóm vấn đề cốt lõi như: nhóm lựa chọn kỹ thuật, nhóm bố trí nguồn vốn, nhóm chọn nhà thầu thi công và đơn vị giám sát, nhóm giải phóng mặt bằng. Tất cả các nhóm này đều triển khai song song do một “tư lệnh” có thực quyền chỉ huy.

Trong đó, việc giải phóng mặt bằng giao hẳn về địa phương đảm nhận, có thưởng phạt nếu triển khai vượt hay chậm tiến độ. Đối với lựa chọn kỹ thuật, điều này khá đơn giản, bởi vì đối với Việt Nam thì mới mẻ, còn thế giới đã trở nên quá đỗi bình thường.

ĐSTĐC đang khai thác tại 22 quốc gia, vùng lãnh thổ và 6 quốc gia khác đang đầu tư xây dựng. Có những quốc gia địa hình giống Việt Nam, đồi núi trập trùng, sông suối, ruộng đồng mênh mông..., nhưng họ đã xây dựng ĐSTĐC từ lâu. Do đó, có thể lựa chọn nhiều hình thức, bê nguyên bản hoặc cóp nhặt từng phần, nhưng được lợi thế là làm sau nên chúng ta sẽ rút được kinh nghiệm của các nước bạn, đảm bảo an toàn cao nhất.

Về nguồn vốn, theo tờ trình của Bộ GTVT thì bố trí từ nhiều nguồn nhưng lại không hề đề cập đến nguồn kiều hối. Từ năm 1993-2022, kiều hối đổ về Việt Nam trên 190 tỷ USD, tương đương với vốn FDI đã giải ngân trong cùng thời kỳ. Tuy nhiên, chúng ta chưa có giải pháp nắn dòng vốn này phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Do đó, giả dụ dự án ĐSTĐC sẽ trả lãi suất cho nguồn kiều hối bằng vốn vay ODA thì kết quả sẽ khả thi. Nếu thành công, chúng ta vừa tranh thủ được nguồn kiều hối to lớn mà không bị ràng buộc bởi các điều kiện cung cấp hàng hóa, dịch vụ như vay ODA…

Vì công trình chưa có tiền lệ, việc thực hiện nằm ngoài khuôn khổ pháp luật hiện hành nên có thể xảy ra sai sót. Câu chuyện kỳ tích của 32 năm trước về đường dây 500kV Bắc - Nam vẫn còn nguyên giá trị, đó là quyết tâm thi công cho đến công - tội. Do vậy, từ kinh nghiệm của dự án đường dây 500kV Bắc - Nam trước đây, từ thực tiễn thi công đường bộ cao tốc Bắc - Nam, và triển khai với những giải pháp nói trên, kỳ vọng dự án ĐSTĐC được khởi công trong năm 2025, hoàn thành sau 5 năm xây dựng!

Được như vậy thì dự án ĐSTĐC sẽ có ý nghĩa rất quan trọng là lãnh ấn tiên phong tinh giản thủ tục đầu tư. Qua đó để rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật, quy định nào không phù hợp, kìm hãm phát triển thì bỏ, quy định nào còn giá trị thì phát huy. Có như vậy mới triển khai nhanh các dự án, thúc đẩy đất nước phát triển, sánh kịp với bè bạn năm châu!

Tin cùng chuyên mục