Chuyến đi kéo dài hơn 1 tuần của ông Tập Cận Bình được nhiều nhà quan sát nhận định thể hiện quyết tâm của Trung Quốc trong việc xây dựng ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông - châu Phi, vốn có lợi ích chiến lược với Bắc Kinh.
Thị trường lao động châu Phi thực sự quan trọng đối với Trung Quốc
Những thắng lợi đầu tiên
Tính đến nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Senegal, Rwanda, sắp tới là Nam Phi và tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 10 Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) tại TP Johannesburg của Nam Phi. Theo Tân Hoa xã, ngày 21-7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới Senegal - chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du châu Phi cũng là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Senegal trong gần 1 thập kỷ qua. Sau khi kết thúc hội đàm, lãnh đạo 2 nước đã cùng chứng kiến lễ ký kết một loạt thỏa thuận hợp tác song phương. Chuyến thăm châu Phi lần này thực sự quan trọng đối với Trung Quốc, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa nước này và Mỹ ngày càng diễn biến phức tạp. Châu Phi được xác định là một thị trường chiến lược của Trung Quốc. Một báo cáo năm ngoái của tổ chức Ernst và Young cho hay Trung Quốc là nước góp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất vào lục địa đen với tổng số vốn lên đến 66,4 tỷ USD cho 293 dự án đầu tư kể từ năm 2005 đến nay. Trước đó, ngày 20-7, Trung Quốc và UAE đã quyết định nâng cấp quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược toàn diện. Ngay trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc tới UAE - chuyến thăm đầu tiên tới UAE của một nguyên thủ quốc gia Trung Quốc trong 29 năm qua - 2 nước đã ký kết một loạt thỏa thuận thương mại và dầu mỏ. Theo đó, Công ty dầu lửa quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) thông báo đã ký 2 hợp đồng trị giá 1,6 tỷ USD với BGP Inc., một chi nhánh của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC), nhằm tiến hành thăm dò địa chất tại UAE để tìm kiếm dầu và khí đốt ở một số địa điểm ven biển và ngoài khơi của nước này. Theo số liệu thống kê, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của UAE, với kim ngạch thương mại phi dầu mỏ trong năm 2017 tăng 15%/năm, vượt mức 53,3 tỷ USD, tương đương hơn 90% hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào UAE. Ngược lại, UAE cũng là một trong 15 nhà cung ứng dầu thô cho Trung Quốc, xuất khẩu khoảng 4 tỷ USD dầu mỏ cho Bắc Kinh trong năm 2017. 86% trữ lượng dầu của UAE nằm ở Abu Dhabi. Thúc đẩy quan hệ kinh tế với các thị trường mới Theo giới phân tích, tranh chấp thương mại “ăn miếng trả miếng” giữa Trung Quốc và Mỹ cho thấy đây có thể là một cơ hội để Bắc Kinh thúc đẩy hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước khác, chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - châu Phi vào tháng 9 tới. Cựu Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Ngụy Kiến Quốc nhấn mạnh, Trung Quốc nên đẩy nhanh đàm phán FTA để đối phó với sức ép của Mỹ, và đây cũng là thời điểm tốt để tổ chức thêm các cuộc đàm phán về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để củng cố ảnh hưởng của Trung Quốc trong dàn xếp thương mại đa phương. Trung Quốc đã ký 16 FTA với 24 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện Trung Quốc đang đàm phán với 13 quốc gia, nhằm nâng cấp các hiệp định thương mại, và đang nghiên cứu khả năng của 10 hiệp định khác. Theo giới quan sát, Bộ Thương mại Trung Quốc muốn hoàn tất nhiều hiệp định thương mại trong năm nay để kỷ niệm 40 năm cải cách và mở cửa.