Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, cải cách TTHC nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và xây dựng nền hành chính kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp là những trọng tâm ưu tiên của Chính phủ từ nhiều năm qua. Trong nửa đầu nhiệm kỳ vừa qua của Chính phủ, với tinh thần cải cách mạnh mẽ, quyết liệt, Việt Nam đã tạo nên những kết quả tăng trưởng ấn tượng trong năm 2017 và 8 tháng năm 2018. Ví dụ như: tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2017 đạt 6,81%, quy mô GDP khoảng 230 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.400 USD; trong 8 tháng, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 2.558.200 tỷ đồng... Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 sẽ ở mức 6,8%; xếp hạng của Việt Nam trong bảng đánh giá của các tổ chức quốc tế tiếp tục được cải thiện (như: chỉ số đổi mới toàn cầu xếp thứ 45/126 quốc gia, nền kinh tế - tăng 2 bậc so với năm 2017; chỉ số phát triển bền vững xếp thứ 57/156 quốc gia và vùng lãnh thổ - tăng 11 bậc, đứng thứ 3 ASEAN…).
Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh (ĐKKD) hiện có và cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, áp dụng chế độ hậu kiểm và quản lý rủi ro, cơ chế công nhận lẫn nhau, cơ chế một đầu mối quản lý… để tạo thuận lợi cho quá trình giao thương xuyên biên giới.
Việt Nam nhận định, cơ hội sẽ thuộc về các nền kinh tế mới nổi nếu có những chính sách cải cách mạnh mẽ, có mối quan hệ giao thương đa bên, minh bạch và đặc biệt là có sự chủ động trong việc thúc đẩy, tạo thuận lợi thương mại khu vực và toàn cầu.