Điểm đến của ngành vi mạch
Tập đoàn Marvell Technology, Inc. (Hoa Kỳ) chuyên thiết kế, phát triển và sản xuất các loại chip bán dẫn với hơn 7.000 nhân viên, hơn 10.000 bằng sáng chế… vừa công bố thành lập Trung tâm Thiết kế vi mạch (Semiconductor Design Center) tại TPHCM. Với động thái này, TS Nguyễn Lợi, Phó Chủ tịch cấp cao Marvell toàn cầu, cho biết, Marvell chọn Việt Nam lập trung tâm thiết kế vi mạch do Việt Nam năng động, chính trị - xã hội ổn định, có nguồn lực nhân tài. Trung tâm được định hướng phát triển thành một trung tâm hàng đầu của Marvell, nơi phát triển các công nghệ tân tiến nhất phục vụ cho chiến lược mới của Marvell.
Marvell đã có mặt tại TPHCM từ năm 2013 với một nhóm kỹ sư hơn 10 người nghiên cứu và tham gia các dự án phát triển vi mạch. Marvell Việt Nam liên tục phát triển, đặc biệt là trong vài năm gần đây tăng trưởng mạnh về nhân sự với 2 văn phòng tại TPHCM có 300 nhân viên, trong đó có 97% là các kỹ sư phần cứng và phần mềm. “Các doanh nghiệp Hoa Kỳ như Marvell luôn tiên phong trong quá trình tăng trưởng và phát triển ngành công nghiệp quan trọng này tại Việt Nam, với những sản phẩm được sử dụng làm thành phần cốt lõi trong nhiều loại sản phẩm, hàng hóa từ điện thoại, xe hơi, đến những hạ tầng số là nền tảng của nền kinh tế hiện đại”, bà Susan Burns, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM, đánh giá.
Chip do Tập đoàn Viettel thiết kế được giới thiệu tại Khu Công nghệ cao TPHCM trong sự kiện liên quan đến ngành vi mạch |
Trước đó, ngày 10-5, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng đã chủ trì tọa đàm “Tăng cường hợp tác đầu tư giữa Trung tâm vi điện tử liên đại học Vương quốc Bỉ (IMEC) và Việt Nam”. IMEC là trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo trong công nghệ chip bán dẫn với hơn 5.500 nhà nghiên cứu, chuyên gia từ hơn 90 quốc gia làm việc. Với IMEC - không chỉ là phòng thí nghiệm trọng điểm ở châu Âu mà còn là toàn cầu, các nhà cung cấp chip lớn nhất hiện nay như Intel, Qualcomm, MediaTek đều hợp tác với IMEC để có định hướng và giải pháp mới về công nghệ. Việc tăng cường hợp tác với IMEC sẽ hỗ trợ việc đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch tại Việt Nam.
Theo GS-TS Đặng Lương Mô, TPHCM đang thu hút các doanh nghiệp vi mạch. Tại Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) hiện có Trung tâm Đào tạo điện tử quốc tế (IETC) và Trung tâm Thiết kế vi mạch của SHTP do các tập đoàn vi mạch nước ngoài hợp tác cùng SHTP xây dựng, vừa đi vào hoạt động. TPHCM cũng có khoảng 50 công ty thiết kế vi mạch, chủ yếu là nước ngoài, tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng vi mạch toàn cầu.
Tìm hướng phát triển phù hợp
Ngành vi mạch tại TPHCM hoạt động sôi nổi nhất trong giai đoạn 2013-2020 với một số kết quả trong việc đào tạo, nghiên cứu thiết kế chip. Những sản phẩm ứng dụng chip Việt đã được thương mại hóa thành công như chip SG-8V1, KIT DE-8V1, khóa container, thiết bị giám sát hành trình, điện kế điện tử. Trong định hướng đến năm 2030, TPHCM sẽ thúc đẩy phát triển công nghiệp vi mạch qua đào tạo nguồn nhân lực; phát triển thị trường vi mạch điện tử; vận hành và khai thác có hiệu quả thành tựu của các nhà thiết kế; tiếp tục thu hút các dự án của những tập đoàn vi mạch nước ngoài đầu tư vào thành phố.
Việc Marvell thành lập Trung tâm Thiết kế vi mạch tại Việt Nam hay hàng loạt các hoạt động khác liên quan đến ngành vi mạch trong thời gian gần đây cho thấy ngành vi mạch đang được chú trọng phát triển. “Với những chuyển biến, quan tâm gần đây của các cấp, ngành vi mạch đang trở lại. Đặc biệt, giữa chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã có những ký kết phát triển ngành này nên nếu quyết tâm thực hiện, chúng ta sẽ nhắc lại việc này với chính phủ Nhật Bản và tôi nghĩ rằng họ sẵn sàng hỗ trợ”, GS-TS Đặng Lương Mô cho biết.
Tại tọa đàm “Tăng cường hợp tác đầu tư giữa IMEC và Việt Nam”, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT và TT (Bộ TT-TT), đánh giá, việc IMEC đến Việt Nam và làm việc với Bộ TT-TT đánh dấu bước hợp tác, giúp Việt Nam có cơ hội để nâng cao trình độ công nghệ trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất vi mạch. Còn theo ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý SHTP, Việt Nam đã được Hiệp hội Bán dẫn Mỹ đánh giá có tiềm năng về thiết kế và đóng gói. Đây là những khâu Việt Nam cần tập trung.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng chia sẻ, Việt Nam mong muốn trở thành một phần trong chuỗi cung ứng toàn cầu, không chỉ ở khía cạnh lập trình, đóng gói mà còn ở nhiều khía cạnh khác như hoạt động thiết kế, phát triển, đưa vi mạch tích hợp vào các sản phẩm phần cứng, đặc biệt trong thế giới internet vạn vật hiện nay.