Đầu tư công nghệ cho sản phẩm chủ lực
Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp Việt Nam, giai đoạn 2008-2017, đạt 2,66%/năm và chỉ riêng năm 2018 đạt 3,76% - mức cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Với EVFTA, hàng nông sản Việt sẽ có thêm “cánh tay nối dài” phát triển, tạo điều kiện tiếp cận thị trường 28 quốc gia thành viên EU với hơn 500 triệu dân.
Hiện nay, Việt Nam quan hệ thương mại EU với tổng dung lượng thị trường khoảng 55 tỷ USD và đang có thặng dư ở thị trường này. Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhận định: “Trong tương lai, nông sản Việt Nam có thể giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á. EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU năm 2020 tăng thêm khoảng 20%; năm 2025 tăng 42,7% và năm 2030 tăng 44,37%”.
Năm 2018, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU chỉ đạt 12 triệu USD, tương đương 20.000 tấn, so với tổng lượng xuất khẩu trên 6 triệu tấn. Sau khi tham gia EVFTA, sản lượng xuất khẩu gạo vào EU sẽ tăng.
Nhận định vấn đề này, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho hay: “Trước khi ký EVFTA, sản phẩm gạo Việt Nam ít xuất khẩu qua EU do thuế cao, từ 5% - 45%, nên phải lựa chọn các nước thuế ít để có giá thành cạnh tranh. Sau khi tham gia EVFTA, gạo Việt Nam sẽ có thuế về 0% và hạn mức xuất 80.000 tấn gạo mỗi năm qua EU. Hạn mức là một chuyện, nhưng sản phẩm phải tăng chất lượng, do vậy phía DN cần chú trọng đầu tư giống tốt để cạnh tranh với các nước khác. Qua đó, người tiêu dùng trong nước cũng sẽ được gạo chất lượng với giá rẻ”.
Với kinh nghiệm xuất khẩu gạo, điều, tiêu, cà phê vào thị trường EU, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn INTIMEX, chia sẻ hàng năm EU liên tục đưa ra những rào cản kỹ thuật về hóa chất mới, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm. Nay chúng ta đã hội nhập, thì DN phải thay đổi để phù hợp, mới phát triển. Tránh tình trạng xuất khẩu hàng hóa bị trả về, phát sinh thêm chi phí. Về phía nhà nước cần tăng cường thông tin những hóa chất cấm từ nước ngoài, còn DN cần phối hợp với công ty kiểm định chất lượng của EU tại Việt Nam trước khi xuất khẩu.
Liên kết để phát triển toàn diện
Trong điều kiện sản xuất manh mún, DN phải liên kết chặt chẽ với nông dân. Nếu không củng cố tốt sản phẩm trong nước sẽ bị hàng hóa nước ngoài chiếm lĩnh thị trường. Đây là cơ hội lớn, đồng thời mở ra thách thức không nhỏ. DN vẫn là nòng cốt, cần phải có chiến lược căn cơ, bài bản.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị: “Tập trung các nhóm giải pháp đồng bộ. Nhà nước tiếp tục hoàn thiện thể chế, quy chuẩn, công tác quản lý theo hướng có quản trị, tập trung. DN cần có chiến lược bài bản ở quy mô ngành hàng, quy mô công ty để tạo sự minh bạch, liên kết chặt chẽ với nông dân để tạo thành chuỗi sản phẩm khép kín. Với nông dân, muốn khai thác tốt thị trường này, cần phải liên kết chặt chẽ với các HTX, từ đây, HTX liên kết với DN nhằm đảm bảo đúng tiêu chuẩn yêu cầu của thị trường EU”.
Sức ép cạnh tranh là vấn đề đầu tiên mà các DN Việt Nam phải chú ý. Có thể thấy, cạnh tranh luôn có tính hai mặt rõ ràng. Một mặt, cạnh tranh sẽ rất tiêu cực đối với các DN yếu kém, nhất là các DN có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu.
Mặt khác, cạnh tranh mang lại động lực cho các DN liên tục đổi mới và sáng tạo, đồng thời tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Quan trọng hơn cả, EVFTA giúp nông nghiệp đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành công, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh xác định, để khai thác được tối đa lợi ích, DN cần tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất…
Do vậy, các DN Việt Nam cần đầu tư phát triển sản phẩm đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn và quy định về hàng hóa nhập khẩu của EU, cũng như chuẩn bị kỹ kế hoạch xuất khẩu cho từng mặt hàng, từng thị trường mục tiêu. Nếu thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng sản phẩm và nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của thị trường EU, các DN Việt Nam sẽ rất thuận lợi khi thực hiện xúc tiến thương mại tại EU nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, khi hội nhập, DN thường không đánh giá được thông tin, nội dung, khai thác cơ hội. Đây là điều DN cần lưu ý. Không phải giảm thuế là DN tiếp cận dễ dàng, vì đó chỉ là điều kiện cần; còn điều kiện đủ là DN phải tăng năng lực nội tại mới hấp thu khai thác được thị trường EU. DN phải có thông tin tiếp cận tốt, đầy đủ, lợi thế để thông quan hàng rào thuế quan và hiểu rõ nhu cầu phi thuế quan đối với các mặt hàng quan trọng như cà phê, thủy sản, để có thể tăng cường sản xuất.
Song song đó, Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo Cục Phòng vệ thương mại, Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Bộ NN-PTNT nghiên cứu quy trình, tiêu chí, tiêu chuẩn, thủ tục, cho đến việc mở cửa thị trường của EU, để giới thiệu cho DN nắm được thị trường, thị phần và cách thức sản xuất. Bên cạnh đó, EU cũng chú trọng các vấn đề như tranh chấp thương mại về chống bán phá giá, chống trộm cắp, chống lẩn tránh thuế tự vệ của quốc gia… đó là nội dung thường xuyên của hoạt động thương mại quốc tế. Nếu DN Việt không nắm bắt kịp thời sẽ dễ bị mất thị trường, ảnh hưởng đến ngành hàng.