Cơ hội phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, Việt Nam đang có cơ hội “ngàn năm có một” để tham gia chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Minh chứng thêm cho điều này là cuối năm 2023, trong chuyến thăm Việt Nam, tỷ phú Jensen Huang của Tập đoàn NVIDIA khẳng định: “Việt Nam là quốc gia duy nhất có thể tham gia đầy đủ các công đoạn của chuỗi bán dẫn”.

Tiềm năng lớn

Mới đây, Tập đoàn NVIDIA đã ký với Tập đoàn FPT một thỏa thuận quan trọng trị giá 200 triệu USD và đang tiếp tục tích cực tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam.

Không chỉ Tập đoàn NVIDIA, hiện đã có hơn 50 doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn hoạt động tại Việt Nam với hàng loạt tên tuổi lớn như: Intel, Amkor, Hana Micron (đóng gói, kiểm thử); Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys, Qorvo (thiết kế); Lam Research, Coherent (sản xuất thiết bị)... Trong đó, có những dự án quy mô lên tới hàng trăm triệu USD, thậm chí hàng tỷ USD như dự án của Intel, Amkor, Hana Micron. Bên cạnh đó, một số công ty trong nước cũng đã xông xáo gia nhập thị trường công nghiệp bán dẫn như Viettel, FPT, VNChip… Các chuyên gia dự báo, năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ đạt giá trị khoảng 6,2 tỷ USD.

I5A.jpg
Nghiên cứu công nghệ bán dẫn tại Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: Hoàng Hùng

Trong hơn 30 năm qua, chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã định hình. Để sản xuất được một con chip, từ khâu thiết kế cho đến khi đóng gói để đưa ra thị trường phải mất 4-6 tháng với trên 500 công đoạn, đi qua hơn 55.000km với khoảng 70 quốc gia. Điều này cũng có nghĩa là hoàn toàn không dễ dàng để các nước đang phát triển tìm được vị trí cho mình.

Riêng với Việt Nam - quốc gia “đi sau”, nhưng theo đánh giá của các tập đoàn công nghệ là có tiềm năng nhân lực rất tốt (bằng chứng là số lượng lớn kỹ sư công nghệ người Việt đang làm việc tại Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, lãnh thổ Đài Loan…). Các nhà phân tích kinh tế cho rằng, người Việt có năng khiếu trong các ngành toán, kỹ thuật, công nghệ và khoa học (STEAM), mà đây là những yếu tố căn bản trong công nghệ bán dẫn.

Tập trung đào tạo nhân lực

Theo số liệu của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ, đến năm 2030, toàn cầu sẽ cần thêm khoảng 1 triệu kỹ sư bán dẫn vi mạch. Tại Việt Nam, từ nay đến năm 2030, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, cần ít nhất 50.000 kỹ sư, nghĩa là gấp 10 lần số kỹ sư hiện có, trong đó cần ít nhất 5.000 nhân sự có trình độ chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo (AI).

“Hiện nay, việc ứng dụng AI để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn để phục vụ phát triển AI đang ngày càng phổ biến và là xu thế chung không thể đảo ngược, với sự tham gia của các tập đoàn lớn như NVIDIA, Google, Meta, Apple, Microsoft…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lý giải.

Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Cương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel, cho biết, chỉ tính riêng lĩnh vực thiết kế, Viettel cần khoảng 500 kỹ sư vào năm 2030 và năm 2035 cần tới hơn 1.000 kỹ sư.

Tại hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn diễn ra cuối tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, đào tạo nhân lực ngành bán dẫn là “đột phá của đột phá”. Chính phủ đã giao cho Bộ KH-ĐT dự thảo đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn. Dự thảo này đề xuất thành lập 4 trung tâm bán dẫn dùng chung quốc gia (2 ở Hà Nội, 1 ở Đà Nẵng, 1 ở TPHCM); 18-20 trung tâm đào tạo tiêu chuẩn đặt tại các trường đại học do ngân sách nhà nước đầu tư. Phía Hoa Kỳ đã cam kết tài trợ 2 phòng thí nghiệm chuyên về đo kiểm đặt tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) Hà Nội và Đại học Quốc gia TPHCM… Chi phí ước tính cho mục tiêu đào tạo nhân lực không hề nhỏ: khoảng 26.000 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là “sản phẩm đầu ra” của các “lò đào tạo” có đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp?

GS-TS Trần Xuân Tú, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Hà Nội), nhìn nhận: “Trong công nghiệp bán dẫn, phần thiết kế đem lại lợi nhuận cao nhất, chiếm khoảng 52%-55% giá thành, tiếp đó là khâu liên quan đến chế tạo, khoảng 24%-25%; phần còn lại dành cho đóng gói, kiểm thử. Hiện các doanh nghiệp tại Việt Nam tập trung nhiều vào công đoạn đóng gói và kiểm thử. Về lâu dài, chúng ta cần nhân lực tham gia sâu rộng hơn nữa vào khâu thiết kế - khâu đem lại giá trị cao nhất”.

Ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc quốc gia Intel tại Việt Nam cũng cho biết, trong công nghiệp bán dẫn, có nhiều công đoạn khác nhau. Mỗi công đoạn có yêu cầu về nhân lực khác nhau. Chính vì thế, không chỉ cần có chiến lược chung mà còn phải có chương trình hành động riêng cho mỗi đối tượng nhân lực cần phát triển, phù hợp với thế mạnh của Việt Nam trong từng giai đoạn cụ thể.

Hiện Việt Nam đứng thứ 9 trên toàn cầu ở lĩnh vực xuất khẩu hàng điện tử, được đánh giá có hệ sinh thái bán dẫn phát triển nhanh, tiềm năng nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Nhà máy đóng gói và kiểm định của Tập đoàn Intel tại TPHCM đến cuối năm 2022 đã xuất xưởng hơn 3 tỷ chip và có kế hoạch mở rộng đầu tư.

Các doanh nghiệp Việt như Viettel, FPT cũng bắt đầu tham gia vào chuỗi cung ứng chip toàn cầu. Để hiện thực hóa mục tiêu khẳng định vị trí vững vàng trong chuỗi công nghiệp bán dẫn toàn cầu, Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù đảm bảo cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực; phát triển đồng bộ hạ tầng điện, nước, giao thông, cáp quang, công nghệ thông tin và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Chúng tôi tin rằng, trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia đi đầu trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn”, Giám đốc điều hành Tập đoàn Jetking Global Harsh Bharwani khẳng định.

Tin cùng chuyên mục