Thay đổi tư duy tiếp cận
Theo số liệu từ Công ty Nghiên cứu thị trường Statista, trên thế giới hiện có khoảng 9.300 công ty Fintech đang cạnh tranh với các ngân hàng trong mọi lĩnh vực từ thanh toán, huy động vốn, cho vay, kinh doanh ngoại hối và cả tư vấn đầu tư. Tại châu Âu, khoảng 30% doanh thu mới được tạo ra trong ngành ngân hàng đang chảy vào túi các công ty Fintech.
Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học TPHCM, ở Việt Nam, mặc dù Fintech đang thu hút được sự quan tâm rất lớn, tuy nhiên các công ty này hiện chủ yếu chỉ tập trung ở 3 dịch vụ: thanh toán, cho vay và huy động vốn cộng đồng.
Doanh thu của lĩnh vực Fintech tại Việt Nam được dự báo đạt khoảng 9 tỷ USD vào năm 2020, khi nhiều sản phẩm đang gia tăng mạnh, nhất là trong các thanh toán qua di động, internet và ví điện tử. Việt Nam là thị trường tiềm năng cho Fintech do 65% dân số dưới 35 tuổi, dễ dàng tiếp nhận cái mới rất nhanh, nhất là sử dụng phương tiện công nghệ mới.
Hiện nay, đề án về Fintech đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trình lên Chính phủ. Ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN), đề xuất cần có cơ chế thử nghiệm cho hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng nhằm khuyến khích đổi mới để phổ cập tài chính, hạn chế rủi ro cho người tiêu dùng và thị trường. Bên cạnh đó, cần tập trung thực hiện hợp tác về số hóa dữ liệu dân cư và số liệu về nền kinh tế, đẩy nhanh dịch vụ chữ ký số và chứng thực chữ ký số.
“Việt Nam tiếp cận chậm về lĩnh vực Fintech so với thực tế phát triển cũng như so với nhiều nước. Quan trọng nhất là cần thay đổi tư duy tiếp cận của những cơ quan làm chính sách. Nếu cứ tiếp tục theo tư duy cũ là cái này chưa có căn cứ pháp lý, cái kia chưa có quy định… thì vẫn theo cơ chế xin - cho. Hành lang pháp lý phải xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp, phải biết doanh nghiệp mong muốn gì. Với mục tiêu hạn chế rủi ro cho người tiêu dùng nhưng không phải vậy mà cản trở Fintech phát triển”, ông Phạm Xuân Hòe nhấn mạnh.
Sẵn sàng tiếp nhận dịch vụ tài chính số
Thứ trưởng Bộ TT-TT Phan Tâm khẳng định, bộ tiếp tục ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp CNTT và truyền thông (ICT) TPHCM. Bộ kêu gọi và khuyến khích các doanh nghiệp ICT không ngừng năng động, đổi mới sáng tạo, phát huy trí tuệ, nhân lực Việt Nam cùng công nghệ số hiện đại như AI, Big Data, chuỗi khối; phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, chất lượng, đáp ứng nhu cầu bản địa không chỉ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng mà còn ở nhiều lĩnh vực quan trọng khác như y tế, giáo dục, giao thông, môi trường...
Bộ TT-TT cũng đề nghị các doanh nghiệp viễn thông, CNTT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đảm bảo hạ tầng ICT thông suốt, an toàn, an ninh, cũng như cung cấp các giải pháp công nghệ số tiến bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Thứ trưởng Phan Tâm cam kết Bộ TT-TT luôn hỗ trợ và ủng hộ các doanh nghiệp đầu tư, phát triển các mô hình kinh doanh, ứng dụng các công nghệ mới của công nghiệp 4.0 nhằm tạo tạo ra giá trị ngày càng lớn cho nền kinh tế.
Nhìn rộng hơn, lĩnh vực Fintech còn gắn liền với Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nghị quyết đặt mục tiêu “tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc 4.0 đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước”.
Đồng thời, nghị quyết cũng xác định một trong các nhiệm vụ là “tập trung phát triển các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao, trong đó bao gồm lĩnh vực tài chính ngân hàng”. Do đó, theo Thứ trưởng Phan Tâm, lĩnh vực tài chính, ngân hàng là một trong những lĩnh vực xương sống của nền kinh tế với hàng triệu triệu giao dịch giữa các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp mỗi giờ. Chính vì vậy, việc áp dụng thành công các công nghệ số để phát triển sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng sẽ có tác động lan tỏa rất lớn, có thể mang lại hiệu quả theo cấp số nhân đối với toàn bộ hoạt động kinh tế.