Cô còn xin thêm hộp cá cho hàng xóm - mấy đứa nhỏ và người mẹ trẻ có chồng mất từ hồi tháng tư, chỉ còn mấy mẹ con nương dựa vào nhau. Như cảm thấy cần phải xác tín hơn, bà chỉ vào cửa sổ: “Mẹ con nó kia”.
Theo quán tính, tôi nhìn theo tay bà, mắt bỗng dưng xè cay khi thấy một cô gái trẻ đang “nằm ổ” trong căn trọ chật chội. Chếch bên kia là người mẹ trẻ đứng lặng lẽ bên hai đứa nhỏ đang cười nói vô tư. Ngày tôi ở cữ, cũng trong căn phòng chật chội nhưng được mẹ chồng, mẹ đẻ nấu món này món nọ, không phải chịu cảnh “thèm mà không mua được”. Chia sẻ thêm vài phần cơm cá cho mẹ con cô nhưng thực ra tôi có thêm cơ hội để nhìn lại những ngày cũ của mình. Ngày mà mình vẫn tưởng khó khăn chồng chất nhưng rồi chợt nhận ra vẫn là những tháng ngày may mắn.
* * *
Chồng của chị bạn tôi vừa mất chiều nay do Covid-19. Lần cuối tôi gặp là khi ghé căn nhà cấp bốn của anh chị, nằm gần chỗ con gái tôi học thêm, để xin lá mơ. Thực ra, đó chỉ là cái cớ ghé lại căn nhà nhỏ nằm giữa vườn hoa trái mà anh chị vẫn chăm tưới mỗi ngày. Chị bạn thường tự hào khoe từng cây trái từ tay chồng mình chăm sóc.
Hình ảnh người đàn ông đứng dưới gốc ngọc lan thơm ngát, giữa một bầy chó nhỏ tiễn hai mẹ con ra về, còn dặn thêm: “Khi nào cần cứ ghé hái nhé. Không có ai, em cũng có thể tự hái vì lá mơ bò cả ra phía ngoài rào kìa”, khiến tôi thấy thật thân thiện. Lúc ấy, bắt đầu đợt dịch thứ tư. Và hôm nay, đợt dịch ấy chưa kết thúc, anh đã đi xa, hai mẹ con chị ở lại, cảnh vợ góa, con côi.
Cách đây vài tuần, ba của cô bạn cũ mất khi con cái kẹt ở nước ngoài không thể về được. Mẹ của chị bạn chung cơ quan cũ cũng trút hơi thở cuối cùng trong bệnh viện dã chiến. Cũng như anh bạn cùng cơ quan cũ, cô ruột ra đi vì Covid-19. Anh viết trên Facebook của mình: “Mẹ bồng con suốt tuổi thơ/ Con bế mẹ chỉ một giờ từ ly/ Mấy ai hiểu được điều gì/ Sao người ấy cứ ôm ghì hũ tro”. Những câu thơ ấy nói đúng cảnh đau đớn, ngỡ ngàng của bao đứa con, bao gia đình trong đại dịch, khi đã gần 11.000 người mất vì Covid-19 ở TPHCM.
Những cuộc đời quanh tôi khép lại. Và lần nữa, những người có cơ hội nhìn lại, thấy mình may mắn khi còn có thể bình an bên những người thân, nhắc nhau trong tâm thức, rằng hãy sống yêu thương trọn vẹn khi còn có thể bên nhau.
* * *
Bức thư để lại của sơ Thảo Linh, được nhiều trang chia sẻ lại, khiến tôi thấy lòng mình như thể ngân lên giai điệu êm dịu khi đọc những suy nghĩ của sơ: “Nhìn theo hướng khác, thì căn bệnh này là thánh giá Chúa đã chọn và dành riêng cho em… Nếu bước đi trên một cuộc hành trình, điều người lữ hành mong mỏi nhất là có thể đến đích sớm bao nhiêu có thể. Thì cũng vậy, nếu cái chết đến sớm có lẽ là điều đáng mừng phải không? Tuy cái chết không phải là đích chúng ta nhắm tới, nhưng nó là dấu hiệu cho thấy chúng ta đã gần đích lắm rồi”.
Cách cô gái 32 tuổi bị mắc Covid-19, bình tĩnh bước trên chặng cuối cuộc sống mình với tâm thế bình tĩnh đón nhận: “Suy nghĩ về sự sống và cái chết, em thấy nó chỉ là tên gọi của hai hình thái sống khác nhau mà thôi. Thực tế thì chúng ta có bao giờ chết đâu”. Cô gái ấy làm thiện nguyện ngay cả những ngày cuối trong bệnh viện và giữ tinh thần tích cực đến những giây phút cuối của trận chiến sinh tử khiến bao người xúc động trước một câu chuyện đẹp.
Tôi cảm giác cái chết đẹp đẽ đó thật gần với những câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm: “Họ đã sống và chết/ Giản dị và bình tâm/ Không ai nhớ mặt đặt tên/ Nhưng họ đã làm
ra Đất Nước”…
Có những cái chết không bao giờ là kết thúc mà là bắt đầu, trao cơ hội nhìn lại, tỉnh thức đối với bao người. Như cái chết của sơ Thảo Linh vậy.