Cùng với việc xây dựng dự thảo Luật Nhà ở, Bộ Xây dựng vừa hoàn tất và trình Chính phủ đề án “Nhà ở xã hội” với mục tiêu giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Theo đề án này, nhà nước sẽ trực tiếp tham gia đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội thay vì “thả nổi” cho thị trường. Giải pháp được đặt ra là tạo lập một quỹ nhà ở có giá cả phù hợp với khả năng chi trả của người có thu nhập thấp.
- Dành 10% - 15% tổng quỹ nhà làm nhà ở xã hội
Theo Bộ Xây dựng, trong 5 năm trở lại đây, quỹ nhà ở đô thị trong cả nước đã tăng thêm mỗi năm trên 15 triệu m². Trong đó, riêng Hà Nội mỗi năm phát triển thêm khoảng 1 triệu m², TP Hồ Chí Minh mỗi năm tăng 3 triệu m². Tốc độ tăng trưởng nhà ở đô thị hàng năm bình quân trên 15%.
Tại các đô thị trong cả nước đã và đang triển khai trên 1.400 dự án nhà ở và khu đô thị mới. Tuy nhiên, dù có sự tăng trưởng đáng kể về số lượng và chất lượng nhà ở nhưng “xây dựng nhà ở tiện nghi cao, đắt tiền để kinh doanh với tỷ suất lợi nhuận cao đang lấn át yêu cầu của xã hội trong vấn đề giải quyết chỗ ở” – ông Trịnh Huy Thục, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà (Bộ Xây dựng) nhận xét.
Kết quả điều tra khảo sát của Bộ Xây dựng cho thấy, để điều tiết thị trường nhà ở đáp ứng được nhu cầu xã hội, quan trọng nhất là nhà nước cần có quỹ nhà ở xã hội từ 10 đến 15% tổng quỹ nhà tại đô thị để tạo nguồn nhà ở cho cán bộ, công chức, người lao động có thu nhập thấp.
Nước ta hiện nay có dân số trên 82 triệu người, tổng diện tích nhà ở khoảng 883 triệu m². Trong đó, dân số tại khu vực đô thị xấp xỉ 23 triệu người với tổng diện tích nhà ở 250 triệu m². Như vậy, diện tích nhà ở bình quân tại khu vực đô thị mới đạt khoảng 10,5 m² sàn/người, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
- Miễn giảm thuế, tạo quỹ làm nhà ở cho người nghèo
Theo đề án, nhà nước sẽ thực hiện chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bảo đảm giá cho thuê, thuê mua nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của người có thu nhập thấp.
Đồng thời, ban hành chính sách ưu đãi về thuế (cho phép chủ đầu tư được hoàn thuế GTGT, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế sử dụng đất) đối với các dự án nhà ở xã hội. Một giải pháp quan trọng được đặt ra là thành lập Quỹ phát triển nhà ở đối với các đô thị lớn và các tỉnh có nhu cầu cao về nhà ở xã hội.
Theo ông Trịnh Huy Thục, quỹ này dự kiến được hình thành từ nhiều nguồn: tiền thu từ việc bán và cho thuê nhà ở của nhà nước; trích 30%-50% nguồn thu từ giao đất, cho thuê đất của các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn; tiền thu từ hoạt động cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và tiền đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước…
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết, tại các đô thị loại 3 trở lên, quỹ nhà ở xã hội phải xây dựng chung cư với diện tích sàn mỗi căn hộ tối đa 60 m². Đối tượng được thuê hoặc mua nhà ở xã hội gồm hộ gia đình, cá nhân trong nước có thu nhập thấp, chưa có nhà ở hoặc đã có nhưng diện tích sàn dưới 5 m²/người.
Theo kiến nghị của Bộ Xây dựng, nếu đề án được Chính phủ thông qua, thì bộ sẽ triển khai xây dựng thí điểm một số dự án nhà ở xã hội ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đồng Nai và Bình Dương, trước khi nhân rộng ra các đô thị khác.
BẢO MINH