Điểm đến mới nhiều sức hút
Giữa trời thu Hà Nội, người dân như đang được đến thăm núi Bà Đen, xuôi con nước xuống Bến Cầu, qua Gò Dầu đến Vàm Trảng Trâu… Tây Ninh chưa bao giờ đến gần với người dân thủ đô đến thế. Ngay trong lòng phố đi bộ Hoàn Kiếm, du khách đã được khám phá nét văn hóa độc đáo của người dân Tây Ninh thông qua các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như điệu trống Chhay-dăm của người Khmer, thanh âm giản dị của đờn ca tài tử Nam bộ… Nhiều người đến với hương sắc Tây Ninh chỉ bởi tò mò nhưng họ đã bị cuốn hút từ khi nào không hay.
Và sức hấp dẫn của “Ngày Tây Ninh tại Hà Nội” không chỉ là hơn 30 gian hàng với các sản vật trứ danh như bánh tráng, muối tôm, mãng cầu… mà còn ở các điểm đến đã trở thành biểu tượng của Tây Ninh như núi Bà Đen với hệ thống chùa Bà, tòa thánh Cao Đài, Ma Thiên Lãnh… “Ngày Tây Ninh tại Hà Nội” đã thực sự mang đến cho người dân thủ đô một không gian văn hóa đậm bản sắc Nam bộ - đó chính là cách Tây Ninh đã tạo ra một hiệu ứng đặc biệt với du khách, đưa Tây Ninh vào tốp các điểm đến hấp dẫn bậc nhất tại Nam bộ.
Ông Phạm Xuân Thành, Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Dịch vụ môi trường rừng, thuộc Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) cho biết, sự kiện diễn ra vào 2 ngày cuối tuần nên rất đông du khách ghé tham quan gian hàng và nhiều người đến tìm hiểu về Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, gắn với khu di tích đặc biệt Trung ương Cục miền Nam.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, đánh giá, Tây Ninh đang là ngôi sao sáng trong hút khách nội địa và có tiềm năng vươn tầm thế giới. Đại diện Sở Du lịch TP Hà Nội cho biết, dự kiến trong tháng 12 sẽ tổ chức đoàn để các doanh nghiệp du lịch Hà Nội, du lịch Tây Bắc khảo sát, phát triển cùng dịch vụ du lịch Tây Ninh.
Nhiều tiềm năng chờ khai thác
Sở hữu thế mạnh để phát triển nhiều loại hình du lịch, song Tây Ninh vẫn đang bỏ ngỏ những cơ hội với các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị)... Bên cạnh đó, công tác quảng bá xúc tiến du lịch cần được đẩy mạnh hơn nữa tại nhiều thị trường trong nước và quốc tế.
Bà Trần Nguyện, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sun World, doanh nghiệp gắn bó và tạo nhiều dấu ấn trong sự phát triển của du lịch Tây Ninh nhiều năm qua, cho rằng, khá nhiều tồn tại và thách thức đối với ngành công nghiệp không khói của Tây Ninh, như du lịch văn hóa và các tiềm năng du lịch chưa tạo được nét độc đáo riêng; chưa có quy hoạch phát triển du lịch bài bản; thiếu hạ tầng giao thông, vui chơi giải trí và lưu trú; đội ngũ nhân lực du lịch còn thiếu và yếu…
Ông Đức Anh, Chủ tịch CLB MICE Việt Nam, đề xuất, Tây Ninh có thể theo xu hướng du lịch MICE mà thế giới rất quan tâm, đó là du lịch sức khỏe với các kỳ nghỉ thể thao. “Trước mắt, du lịch MICE Tây Ninh nên thí điểm ở thị trường nội địa, tập trung vào du khách TPHCM, Bình Dương và chú trọng xây dựng tour du lịch, thể thao trong rừng quốc gia. Tây Ninh cân nhắc xây dựng gói tour về Tây Ninh dự hội thảo và tham gia tour trekking, đạp xe, lều trại trong rừng”.
Theo các chuyên gia kinh tế, vấn đề cốt lõi vẫn nằm ở quy hoạch phát triển du lịch, sau đó là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, người dân, và quan trọng là lựa chọn được nhà đầu tư đủ tâm và tầm, có năng lực triển khai cùng với sự quản lý chặt chẽ trong việc nâng tầm chất lượng dịch vụ tại các điểm đến.
Ông Võ Đức Trong, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tây Ninh, nhận định, “Ngày Tây Ninh tại Hà Nội” không chỉ mở ra nhiều cơ hội hợp tác phát triển mới mà còn mang lại nhiều giải pháp hữu hiệu để trong tương lai du lịch Tây Ninh có thể cất cánh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào mục tiêu to lớn của Tây Ninh là trở thành một cực tăng trưởng mới tại vùng Nam bộ vào năm 2030.