Trung Quốc dần liên quan nhiều hơn đến cuộc xung đột tại Syria từ khi cuộc chiến bắt đầu nổ ra vào năm 2011. Cách tiếp cận tích cực hơn đối với Syria trở nên rõ ràng vào tháng 8-2016, khi một vị tướng hải quân của Trung Quốc cam kết không chỉ tăng cường viện trợ nhân đạo mà còn cả hợp tác giữa quân đội 2 nước.
Trung Quốc cũng bày tỏ sự quan tâm của mình đến việc tận dụng các cơ hội kinh tế ở Syria hậu xung đột mà Ngân hàng Thế giới ước tính trị giá đến 400 tỷ USD. Hơn 200 công ty Trung Quốc đã có mặt tại Hội chợ quốc tế Damascus lần thứ 60 vào tháng 9-2018. Ở đó, họ đã đưa ra các thỏa thuận trên nhiều lĩnh vực từ sản xuất ô tô đến phát triển bệnh viện di động. Các biện pháp trừng phạt do Mỹ dẫn dắt nhằm vào Syria và ảnh hưởng ngày càng giảm của phương Tây trong cuộc xung đột khiến Trung Quốc hầu như không vấp phải sự cạnh tranh nào.
Các lợi ích kinh tế và an ninh của Trung Quốc ở Syria hòa quyện với các tham vọng địa chính trị. Trung Quốc đang tìm cách tăng cường vị thế của mình trên vũ đài thế giới bằng việc đóng vai trò tích cực trong nỗ lực giải quyết xung đột quốc tế và tái thiết. Việc Mỹ rút quân khỏi Syria có thể cho phép Bắc Kinh khẳng định hơn nữa vai trò đối tác quốc tế then chốt ở Syria và xa hơn là đẩy mạnh các lợi ích của Trung Quốc ở Trung Đông.
Bắc Kinh nỗ lực xác lập vị trí của mình là một bên tham gia trung lập trong khu vực, cung cấp viện trợ kinh tế để đổi lấy quyền tiếp cận các nguồn lực và tài sản chiến lược, trong đó có các cảng biển và căn cứ quân sự. Tại Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - các nước Arab vào tháng 7-2018, Trung Quốc cam kết cho các nước Arab vay 20 tỷ USD và cung cấp viện trợ nhân đạo trị giá gần 100 triệu USD cho Syria và Yemen. Gã khổng lồ công nghệ Huawei, công ty bị Mỹ cáo buộc nhiều lần đánh cắp bí mật thương mại, đã lên tiếng cam kết phát triển lại toàn bộ mạng lưới viễn thông của Syria. Trung Quốc cũng có thể tìm cách củng cố hơn nữa hành lang kinh tế xuyên châu Á của họ bằng việc đưa cảng Tartus và Damascus của Syria vào sáng kiến Vành đai và con đường.
Trung Quốc thu được nhiều lợi ích từ việc Mỹ rút khỏi Syria. Nước này dường như đã không lãng phí thời gian trong việc đảm bảo các lợi ích kinh tế cũng như các lợi ích trong việc chống khủng bố và xây dựng hình ảnh của họ ở Syria. Sự can dự của Bắc Kinh ở Damascus là ví dụ minh họa cho chính sách đối ngoại đang thay đổi dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Mục tiêu của Trung Quốc là lấp đầy khoảng trống thực sự có tầm ảnh hưởng mà Mỹ và các thể chế do Mỹ dẫn dắt đã bỏ qua. Việc xây dựng và dẫn dắt các thể chế như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á đặt Bắc Kinh vào vị trí dẫn đầu một kiểu chủ nghĩa đa phương thay thế cho kiểu chủ nghĩa đa phương của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.