Tổng Thư ký của EAC, ông Peter Mathuki, cho biết, do có nguồn tài nguyên sinh học phong phú, đa dạng và một tỷ lệ lớn diện tích đất canh tác nên khu vực Đông Phi có lợi thế so sánh về sản xuất sinh học và các sản phẩm từ sinh học.
Chiến lược này phù hợp với các cam kết về phát triển môi trường bền vững, thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, cũng như giúp thay đổi các hành vi không bền vững của các quốc gia trong khu vực.
Theo Liên hiệp quốc, hơn 70% dân số thế giới bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng bất bình đẳng, 1/3 đất đai trên thế giới bị suy thoái nghiêm trọng, 1 triệu loài đang bị đe dọa tuyệt chủng, hơn một nửa GDP của thế giới (gần 50.000 tỷ USD) đang bị đe dọa bởi sự mất mát này.
Việc xây dựng chiến lược kinh tế sinh học khu vực cho Đông Phi đã bắt đầu vào năm 2019 thông qua quy trình tư vấn cấp quốc gia và cấp khu vực với sự tham gia của Ủy ban Khoa học và Công nghệ châu Phi, cũng như các hội đồng và ủy ban khoa học - công nghệ các quốc gia. Chiến lược kinh tế sinh học cũng cung cấp một khuôn khổ khái niệm cho việc sử dụng tài nguyên tự nhiên tái tạo nhằm chuyển đổi phương pháp quản lý đất đai, thực phẩm, y tế và hệ thống công nghiệp với mục tiêu phát triển bền vững cùng thiên nhiên. Sự thay đổi này mở ra một cơ hội để hiện đại hóa và thúc đẩy các ngành công nghiệp trở nên tuần hoàn hơn.
Các nguồn tài nguyên sinh học có thể tái tạo, nếu được quản lý bền vững, có tính chất tuần hoàn, sẽ dễ tái sản xuất hơn. Một số lĩnh vực quan trọng khác như hóa chất, dệt may, nhựa và xây dựng cũng cần các mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo để trở thành các ngành công nghiệp có quy mô tuần hoàn và ít carbon hơn. Ngoài ra, đây còn là cơ hội để giải quyết bất bình đẳng và đảm bảo sự phát triển đồng đều, bao gồm cả việc làm và cơ sở hạ tầng ở vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa.