Theo đó, những sản phẩm mà các doanh nghiệp nước ngoài tìm kiếm tập trung vào nhóm hàng hoá đồ uống, thực phẩm dinh dưỡng, thuốc, thực phẩm chức năng, thủy sản; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, đóng gói, bảo quản thực phẩm...
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM cho biết, hiện sản phẩm thực phẩm chế biến, nông thuỷ hải sản của Việt Nam được thị trường thế giới đánh giá cao cả về số lượng và chất lượng, sản phẩm mới, độc đáo. Sản phẩm Việt Nam đã xuất khẩu hơn 200 thị trường trên thế giới. Trong đó phải kể đến những thị trường rất khó tính với rào cản kỹ thuật về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Thậm chí với thị trường Hala, sản phẩm Việt Nam cũng được đánh giá là tiềm năng.
Đồng thuận về vấn đề này, đại diện Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công thương cho biết, hiện các đại siêu thị Amazon, Walmart, Aeon, Central Group, Costco, Decathlon... và hơn 100 doanh nghiệp thu mua trên toàn thế giới đã có mặt tại Việt Nam và sẵn sàng kết nối với các sản phẩm chất lượng từ các nhà phân phối Việt Nam.
Cũng theo Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ, thông qua hoạt động kết nối trực tiếp với các tập đoàn thu mua, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước không những có cơ hội mở rộng thị phần tiêu thụ, nhất là tại các thị trường tiềm năng như Hoa Kỳ, Liên minh Kinh tế Á - Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc, New Zealand, ASEAN,... Quan trọng hơn, doanh nhiệp còn có thể thu thập được thông tin về những đối thủ cạnh tranh, những sản phẩm hoặc dịch vụ nào đang được thị trường ưa chuộng, từ đó có chiến lược kinh doanh và sản phẩm phù hợp.